Thứ Bảy, tháng 11 29, 2014

"Đèn Cù" Một Nỗ Lực "Trục Độc"

Giới thiệu của Nguyễn-Xuân Nghĩa - Viết ngày 141111



Để "trục độc", ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc - và đọc kỹ -  bộ Đèn Cù của Trần Đĩnh.



* Tác phẩm Đèn Cù - Quyển II - do Người Việt vừa xuất bản ngày 21/11 * 





Trong cả ngàn cuốn sách mà người Việt Nam và ngoại quốc đã viết về hiện tượng Cộng sản tại Việt Nam, cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh có một vị trí riêng. Đó là sách thuộc loại bán chạy trong năm dù ở trong nước còn là bán chui và bị tịch thu. Mãi sau này, Đèn Cù sẽ là tài liệu tham chiếu của rất nhiều người.    




Đọc hết quyển I cuốn Đèn Cù, mỗi độc giả lại có một cách thẩm định. 

Chỉ riêng phản ứng "không thể đọc chơi rồi bỏ" của nhiều độc giả cũng đủ nói lên giá trị đặc biệt của tác phẩm. Chẳng những vậy, đọc rồi, không ít người đã viết ra và lưu truyền nhận xét của mình. 
 


Trong số này, một số độc giả còn mau mắn... hài tội tác giả để nói về sự khôn ngoan tinh tế của họ. Nhẹ là "sao giờ này mới viết cái chuyện ai cũng biết?" Nặng hơn thì "có ý chạy tội cho Hồ Chí Minh". Thậm chí còn chạy tội cho Trung Cộng. Hoặc cuốn sách ra đời trong một âm mưu mờ ám để cho thấy là so với các lãnh tụ cộng sản Việt Nam ở đầu nguồn thì thế hệ ngày nay đã đổi mới, v.v....  

Đôi ba người tinh quái lại xoáy vào nội tâm tác giả - hay của chính mình. 

Họ nói đến phản ứng tình dục lồng trong chính trị. Biết đâu chừng, bản năng thâm sâu ấy khiến một người bị kết tội "chống đảng" như Trần Đĩnh lại chỉ đi cải tạo thay vì bị tù đầy như các "đội bạn" của nhóm "Nhân văn Giai phẩm", hoặc các nhân vật lãnh tội "xét lại chống đảng" ngày xưa.  

Vẫn biết rằng khi đã xuất bản, tác phẩm hết còn là của tác giả, mọi người đều có quyền phán xét khen chê như vậy. Nhưng sự khen chê ấy cũng tùy trình độ - và cả giác độ - của người đọc. Được một cái là càng bị đây đó dị nghị thì cuốn sách lại bán càng chạy....

Thế rồi, do nhà xuất bản Người-Việt ưu ái yêu cầu – có thể là với sự đồng ý của tác giả – người viết này may mắn được đọc bản thảo của quyển hai. "May mắn" cũng là một phán xét! Cái giá phải trả là... viết đôi lời giới thiệu.  
Cung kính bất như tuân lệnh.  


***  




Giữa đám đông còn om xòm về quyển I, người viết xin chỉ vạch ra hai tội của Trần Đĩnh: một là mê văn hóa Trung Hoa, như nhiều người có học khác. Hai là mê lý tưởng cộng sản, ban đầu kết tinh vào Hồ Chí Minh hay Trường Chinh.  



Là người uyên bác – làm không ít độc giả hụt hơi khi đọc và phải đọc lại – Trần Đĩnh có biệt tài ngôn ngữ của một nhà văn lớn. Nhưng trước hết, ông hiển nhiên biết nhiều ý hay nghĩa của chữ "mê".   



Ban đầu, ông chỉ là "con mê", một loại nai, bị khớp đèn của các lãnh tụ trên rừng xanh khi họ chưa có dân trong tay để xiết. Trong tuổi thanh xuân ấy, mê có thể là thích, ai chẳng biết vậy? Nhưng mê quá cũng làm ta mờ trí, chẳng mê tín thì "mê thất" là lạc đường, đầu óc mụ mị. Trong cõi "mê hoang" mờ mịt ấy, người ta khó thấy được thực hư - và có khi là đồng lõa của tội ác.
 
Mê còn hàm ý mân mê sờ soạng - Lê Đức Thọ hiểu cảm giác này ở trong tù. Sờ quá thì mất luôn cảm giác, như "tê mê", hoặc mê như bị chất ether trên giường bệnh. Hay bê bết dơ dáy như "chân mình đầy cứt mê mê"....
 
Đọc lại Đèn Cù I và đọc qua quyển II, chúng ta sẽ thấy ra ngần ấy nét "mê"!   

Người viết này không nói quá mà vẽ rắn thêm chân. Ở chương 49 trong quyển II, chúng ta sẽ thấy ông luận bàn đầy tâm đắc với một người trong Nam, thuộc Việt Nam Cộng Hoà, về tiến trình phơi bày bản chất ô uế của đảng Cộng sản Việt Nam như "mở nắp bô".   

"- Việt cộng mải mê vùi cứt cho ông anh [là Trung cộng] nên không dọn được cứt mình ngập hết bản thân mình và... - Và đang được nhân dân bới ra, vâng, chính xác, dân đang mở nắp bô đấy."   

Mê như vậy từ khi còn trai trẻ, sau cùng thì Trần Đĩnh đã tỉnh dần sau nhiều lần choáng váng. Mà không chỉ tỉnh lấy một mình. Từ hơn hai chục năm nay, ông muốn viết lại cả tiến trình giải thoát của bản thân và giải độc cho người khác. Nên người viết xin đề nghị một từ là "trục độc".   

Để "trục độc", những ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc - và đọc kỹ - bộ Đèn Cù của Trần Đĩnh.    

Người sính văn chương có thể cất công xếp loại Đèn Cù là tự truyện hay hồi ký, bút ký, v.v.... Qua quyển II, ta mới nhận ra nét chung là Trần Đĩnh nhớ gì kể nấy, như người viết tùy bút. Khổ nỗi, đây không là tùy bút của Mai Thảo hay Nguyễn Tuân để giải trí mà nhằm giải độc.... Ông lần giở ký ức như con tầm nhả tơ vì cái nghiệp, những sợi tơ rướm máu bạn bè và người thân, hoặc đầy mùi xú uế của đảng.  

Nếu quyển I của Đèn Cù có những chương tập trung về các thủ phạm của cái ác, quyển II viết nhiều về các nạn nhân, trong đó có những người đáng kính trọng, ít ra là đáng được thông cảm. Trần Đĩnh kể lại thế giới của ông qua cả trăm giai thoại, với nhiều nhân vật còn xa lạ cho những ai không sinh hoạt trong môi trường hắc ám đó. Nhưng nếu cứ tưởng ông rút ruột viết ra từng đoạn rã rời thì người đọc vẫn chưa thấy được công phu trục độc.   

"Sợi chỉ xuyên suốt" những đoạn tùy bút u ám vẫn là cái gian và cái ác của "Việt cộng". Dùng từ này, Trần Đĩnh trả lại ngữ nghĩa nguyên thủy và chính xác là Cộng sản Việt Nam. Y như khi ông viết về Trung cộng. 
 
Nhưng nếu chỉ là về từng nhân vật ngẫu hứng nhớ lại thì tùy bút Đèn Cù chưa đi tới tận cùng của trục độc - hay mở nắp bô để xả mùi xú uế.  


*** 

 


Trần Đĩnh đọc nhiều, thuộc sử đảng và không hề quên mối quan hệ với Liên Xô cùng Trung Cộng từ thời Đệ tam Quốc tế cho đến ngày nay. Cho nên về từng người hay từng việc, ông đều nhắc lại dẫn chứng, nhất là trong báo đảng hay từ người trong cuộc.   




Với nhiều độc giả thuộc thế hệ về sau, khung cảnh lịch sử ấy là một mê cung ngoắt ngoéo nên quyển II của Đèn Cù còn bắt người đọc phải nhớ tới hoặc đọc lại lịch sử cận đại.   




Trong từng mô tả về sự gian ác, đôi khi ông có cái lý "giảm khinh" là cái ngu của mấy kẻ trên chóp bu. Dù là ngu thì được cái gian bù lại. Xin đọc Trần Đĩnh kể lại về hậu trường của "Cách mạng Tháng Tám" năm 1945 ở Chương 50:    


"Chỉ hai việc đầu não cách mạng Tân Trào mù tịt tin Hà Nội khởi nghĩa thành công và Việt Minh vũ trang phải được Nhật cho phép qua Cầu Đuống mới vào được Hà Nội đã đủ cho thấy vận hội khách quan vô cùng tốt đẹp của đất nước. Nói lại: vận hội của toàn dân nhưng cuối cùng đã bị Việt cộng ẵm gọn làm vốn liếng riêng của mình. [Chữ in nghiêng là của tác giả Trần Đĩnh.]  

"Tân Trào ba ngày không biết Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và Quân Chiến Khu về phải xin Nhật cho qua Cầu Đuống, chỉ hai việc ấy thôi đủ nói Việt Minh chả có đuổi Nhật gì hết. Và tuy ngày 23 tháng 8 mới vào Hà Nội, Cụ Hồ vẫn cảnh giác bắt đi vòng qua sông Hồng ở mạn cây đa làng Sọi có Vũ Đình Huỳnh chờ đón Cụ lên xe hơi qua cầu Sông Cái rồi rẽ phố Hàng Khoai và thế là Cụ đã được ngắm thủ đô ở cái góc mang tên thứ lương thực tiêu biểu nhất của dân ta – đúng là nông thôn bao vây thành thị… Rồi Cụ hài lòng ra ngay chỉ thị tiếp tục hòa hoãn với Nhật, tha Bảo Đại, một lần nữa mặc nhiên thừa nhận Quân lệnh số 1 yêu cầu tiến công Nhật, đàn áp chính quyền Trần Trọng Kim và tiêu diệt đảng phái phản động, là duy ý chí kiểu con ếch nằm trong đáy giếng." [Hết trích.]  


Từ những hồi tưởng đó, Trần Đĩnh mới kết luận là theo Việt cộng thì "bốn phương vô sản đều là anh em...  "vô tổ quốc" như thế!"

Dầy dẫy trong Đèn Cù, ta gặp nhiều chuyện cực khó tin mà chỉ người trong cuộc mới thấm được theo lối "nóng lạnh tự biết".  

Trong mạch đó, độc giả có thể nhớ tới truyện giả tưởng "Đỉnh Cao Toang Hoác" (Yawning Heights hay Les Hauteurs Béantes) của nhà văn bất đồng chính kiến Alexander Zinoviev khi ông ta chơi chữ và châm biếm xã hội Xô viết. Nhưng Zinoviev còn phải dựng truyện giả tưởng, Trần Đĩnh viết về người thật, việc thật. Và xuyên qua hơn ngàn trang sách của hai quyển, Đèn Cù bổ dọc từ Marx tới Lenin, Staline, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, cho chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ - và cả Nguyễn Văn Linh với thành tích bái Tầu để chặn Duẩn và ngăn Thọ. Còn kinh hãi hơn giả tưởng.

Tuy nhiên, và đây mới là một kỳ thú của tác phẩm, Trần Đĩnh lại viết về Hồ Chí Minh như một nạn nhân hàng đầu. 


*** 



Những ai cho rằng "Đèn Cù" có dụng tâm chạy tội cho Hồ Chí Minh thì nên đọc quyển II để nắm lấy "tang vật". 



Dù là cán bộ trước sau đã qua sáu năm đào tạo của Đệ tam Quốc tế, và sau này được quốc tế trao cho Trung Quốc dìu dắt, Hồ lần lượt là nạn nhân của Staline, rồi Mao và vì vậy mà từng thời ở nhà cũng là nạn nhân của Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trong vụ tranh đoạt quyền bính nội bộ. Phần nào đó, Bác Hồ của Trần Đĩnh có thể là "vô can" trong nhiều chuyển động lớn chỉ vì cái tội vô tài.   



Vậy mà ngày nay Việt cộng còn nói mãi về thắng lợi của "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Cho nên Trần Đĩnh mới phang thành tích họ Hồ: "Bịa! Chính là thất bại! Vâng, thất bại đầu tay lập đảng và thất bại đầu tay lập nước!"


Rất đáng ngạc nhiên từ một người mắc bệnh mê Hồ khi còn trẻ. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là Trần Đĩnh không hết lời ngợi ca cụ Trần Trọng Kim. Từ đó, thế hệ ngày nay ở trong nước phải tìm hiểu xem Trần Trọng Kim là ai - và vì sao Cách mạng Tháng Tám chỉ là một trò bịp....


Quyển II của Đèn Cù được tác giả đặt tựa là "Vén Mây Giữa Trời", đọc mãi người viết này mới đoán ra Trần Đĩnh có ý phân công lao động. Bác Hồ và đảng ta chỉ là những vì sao, còn lại, Mặt Trời là những lãnh tụ xa lạ của Liên Xô hay Trung Cộng, như Lenin, Staline hay Mao.... Vén mây lên, Trần Đĩnh bắn rụng cả mặt trời lẫn ngần ấy vì sao....


Mà vì sao dân ta lại khổ vậy? Cũng vì cái tội mê....


Sau khi cả dân tộc đã trả giá đắt đỏ, Trần Đĩnh viết ra chuyện mê muội ấy. Những ai muốn thế giới nhìn ra sự lầm lạc của nhiều người ngoại quốc về Việt Nam thì nên phiên dịch Đèn Cù ra ngoại ngữ. Nó cần xuất hiện bên những tác phẩm giải ảo lừng danh của thiên hạ.





Tầu Cộng Và Tài Tiếp Liệu



Hùng Tâm / Người Việt 141126
Hồ Sơ Người-Việt 

Khi Đi Biển, Tầu Phải Mang Theo Túi Dầu....

 * Những vì sao mới mọc *


Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ta đang chứng kiến một nghịch lý là sự đồng thuận của hai lý luận trái chiều. Một số người ảnh hưởng đến dư luận bên Tầu – "trí thức và học giả" trên các cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản – thì nói đến sự suy tàn bất lực của nước Mỹ. Bên này biển Thái bình, nhiều học giả và bình luận Hoa Kỳ trên các diễn đàn độc lập thì báo động về sự lớn mạnh đầy tính chất đe dọa của Tầu ở ngoài biển. Cả hai nguồn dư luận dẫn tới một kết luận mặc nhiên: Tầu đang đe dọa quyền lợi và an ninh của Mỹ nên sẽ là vấn đề mà Hoa Kỳ phải giải quyết.

"Hồ Sơ Người-Việt" cố đi xa hơn vậy để tìm hiểu về thực lực của Hải quân Trung Quốc từ một khía cạnh thiết thực hơn....



Hải Quân Trung Quốc Tung Hoành


Quả thật là hơn 20 năm qua, lãnh đạo Bắc Kinh từ thời Đặng Tiểu Bình đến sau này đã có kế hoạch phát triển khả năng của Hải quân (được quốc tế gọi tắt là PLAN – People's Liberation Army Navy). Sáu năm nay, ngẫu nhiên từ khi Tổng thống Barack Obama lên lãnh đạo nước Mỹ, thì Hải quân Trung Quốc đã đạt một số thành tích nổi bật, xin ghi lại thật ngắn gọn sau đây.

- Năm nay, lần đầu tiên mà Hải quân Tầu tham gia cuộc thao dượt quân sự RIMPAC do lời mời của Tổng thống Mỹ. Thành hình từ năm 1971, RIMPAC là cuộc thao dượt quân sự của các quốc gia đồng minh Hoa Kỳ trong vành cung Á châu Thái bình dương – không có Tầu Cộng,  cứ hai năm lại tiến hành một lần dưới sự phối hợp của Hạm đội Thái bình dương của Mỹ từ Hawaii. Việc Obama mời Tầu tham gia RIMPAC là chỉ dấu cho thấy sự nhu nhược của nước Mỹ sau khi ồn ào nói đến việc "chuyển trục". Hoặc ngược lại, cho thấy ảnh hưởng lớn mạnh của Tầu Cộng.

- Cùng Hải quân Liên bang Nga, Hải quân Tầu đã thao dượt định kỳ với các chiến hạm đa năng và qua năm tới hai nước sẽ thao dượt trên biển Địa Trung Hải. Nhin lại thì từ Thái bình dương mà qua Địa Trung Hải, các chiến hạm nổi và chìm của Tầu phải vượt vùng biển Đông Nam Á đến Ấn Độ dương rồi nhiều eo biển khác trước khi vào Hồng hải.... Họ phải có khả năng viễn duyên. Khả năng ấy được xây dựng từ vùng cận duyên, được Tầu Cộng xác nhận với "chín khúc lưỡi bò" và "dẫy quần đảo đầu tiên" bao trùm lên hải phận và lãnh thổ của các lân bang.

- Một cách cụ thể thì các chiến hạm Bắc Kinh đã từng thả neo tại nhiều nơi rất xa lãnh thổ, như các nước Argentina, Brazil, Chile, Nigeria hay Tanzania, chưa nói gì đến Papua New Guinea hay Úc Đại Lợi. Các chiến hạm nổi của Trung Quốc đã qua các eo biển Đông Nam Á hay Trung Nam Mỹ, Kênh đào Suez và Panama, Mũi Hảo Vọng, hay biển Bosphorus....

Ngoài ra, các chiến hạm chìm (tầu ngầm hay tiềm thủy đĩnh) cũng đã xuất hiện trên Ấn Độ dương. Đa số tầu ngầm của Tầu còn chạy bằng dầu cặn diesel, nhưng theo nhận định của Hải quân Hoa Kỳ, thì cuối năm nay Bắc Kinh sẽ cho tầu ngầm nguyên tử nhập cuộc trong các chuyến tuần du bí mật dưới đáy biển....

Nhưng khi nói đến lực đẩy là dầu cặn hay năng lượng nguyên tử, ta thấy ra vấn đề tiếp liệu. Các chiến hạm ấy chạy bằng gì và lấy ở đâu trong các chuyến hải hành đã có vẻ toàn cầu như vậy? Một cách thiết thực thì nhiều chiến hạm nguyên tử Mỹ có bình điện... xài 25 năm mới "sạc" một lần nên tha hồ đi lại. Chiến hạm của Tầu vẫn cần ghé trạm xăng dầu, trên đất hay ngoài biển....


Câu đầu tiên là Dầu Đâu?


Khi muốn tung hoành toàn cầu, hoặc chặn đà bành trướng của "siêu cường tàn tạ" là Hoa Kỳ, Hải quân của Bắc Kinh phải giải quyết bài toán tiếp liệu.

Về bối cảnh thì người ta có một tiêu chuẩn đo lường khả năng đó là số tầu dầu của từng nước có thể châm dầu cho các chiến hạm của mình ở ngoài khơi. Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với con số là tùi dầu di động theo các chiến hạm là 19. Tầu Cộng hạng nhì mà chưa bằng nửa (8), sau đó là Nga (7), Anh (6), Đức đồng hạng với Nhật (5) rồi mới đến Tây và Ấn (4). Kế toán nhức đầu dễ làm bốc hoả!

Tầu Cộng muốn khắc phục nhược điểm này qua ba loại biện pháp.

Về kỹ thuật thì phải đóng thêm tầu dầu tháp tùng các hạm đội. Họ có tầu dầu Loại 903A để thay hạng Fuqing đã lỗi thời vì chế tạo từ 30 năm trước. Tuần qua, Bắc Kinh cho mở thêm công xưởng mới tại Quảng Châu để giải quyết nhu cầu đó. Xin tạm gọi tắt là "biện pháp 930".

Về tổ chức thì để nâng số cung theo kịp số cầu, Bắc Kinh cho phép Hải quân sử dụng cả tầu dầu dân sự. Quân dân thắm thiết một lòng nên nhiều tầu dầu dân sự - dĩ nhiên cũng là quốc doanh - được tháp tùng để châm dầu cho các hạm đội ở ngoài khơi. Hãy tưởng tượng đến Hải quân Mỹ mà phải "tư nhân hóa" nguồn tiếp liệu như vậy từ các doanh nghiệp hàng hải!

Về ngoại giao và chính trị thì phải có chánh sách hữu nghị với thiên hạ để các chiếm hạm được quyền ghé bến châm dầu hoặc tu bổ. Đây mới là chuyện kẹt cho Tầu Cộng.

Trên bình diện ngoại giao, Bắc Kinh phải nói giọng hòa bình và giấu bớt võ khí để trình bày nhu cầu tiếp liệu này dưới dạng ngoại thương. "Bản quốc đầu tư vào các hải cảng cùa quý quốc là để góp phần phát triển kinh doanh theo quy tắc "đôi bên cùng có lợi" - chứ không có ý đồ gì khác". Nhưng về thực tế chính trị, khi phô trương thanh thế và nói giọng hung đồ tại Đông hải, thì Bắc Kinh gây lấn cấn cho nhiều nước Á, Phi, Mỹ. Cho nên phải trả giá đắt hơn để tìm "bãi đáp".

Chúng ta không thấy dư luận Hoa Kỳ đắn đo suy nghĩ gì về mâu thuẫn đó với mình. Gần 40 năm sau khi rời Việt Nam, nếu ngày nay các chiến hạm Mỹ có ghé bến Sàigòn, Đà Nẵng hay Cam Ranh thì cũng là bình thường, chẳng thấy ai phàn nàn. Đấy mới chỉ là trường hợp Việt Nam thôi, chưa nói gì đến các quốc gia hay những khu vực nóng khác của địa cầu. Mỹ có rất nhiều bạn, Tầu Cộng thì khác.


Danh Sách Khách Hàng


Khi theo dõi tin tức thời sự mà nhớ tới nhu cầu tiếp liệu nói trên của Hải quân Trung Quốc, ta nên thấy Tầu Cộng có một danh mục rất dài về số khách hàng họ cần o bế - hoặc đấm mõm bơm tiền để bơm dầu. Ít ra là 17 nước!

Xin ghi lại đây để quý độc giả và truyền thông ta chấm sẵn trên bản đồ và suy ra những chuyện Bắc Kinh đang phải ngấm ngầm trả giá bên trong. Đó là Bắc Hàn tại Đông Bắc Á; Papua New Guinea và Miến Điện tại Đông Nam Á; là Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka (Tích Lan) bên Ấn Độ dương tại Nam Á; rồi tới hàng loạt quốc gia rất diệu vợi khác như Seychelles, Djibouti, Yemen, Oman, hay Namibia, Nigeria, Kenya, Tanzania, Angola và Mozambique, cho tới Nam Phi....

Chấm sẵn bản đồ ấy rồi, chúng ta có thêm dữ kiện bổ túc cho những tin tức về quan hệ kinh tế, ngoại giao hay an ninh của Bắc Kinh với nhiều nước.

Thí dụ là Bắc Hàn, tuần này cũng đang được Nga o bế để đưa các chiến hạm xuống vùng biển nóng ở miền Tây biển Thái bình. Hay sự chuyển hóa dân chủ tại Miến Điện khi chiến hạm Tầu Cộng đã ghé hải cảng Yangon (Ngưỡng Quang) kể từ năm 2010, dưới sự canh chừng của Ấn Độ, Nhật Bản, Úc - và của người dân Miến Điện. Hoặc với Pakistan qua một dự án tốn kém mà thất bại để sử dụng quân cảng Qwadar ở hướng Tây Nam sau khi tốn quá nhiều tiền phát triển một xa lộ trường thiên ở trên núi. Hay là với xứ Bangladesh ở giữa Ấn Độ và Miến Điện để mở mang và khai thác hải cảng Chittagong theo hai hướng an ninh và kinh tế, v.v....

Khi ấy, ta cũng nhớ đến lời phát biểu của một Đô đốc Mỹ khi ông còn làm Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương: "phạm vi trách nhiệm của chúng tôi là từ Thái bình dương kéo đến Ấn Độ dương."

Nhìn xa hơn Châu Á và ghé bến Phi Châu, người ta cũng không thể quên vai trò kinh tế của Bắc Kinh trong loại dự án xây dựng hạ tầng có khả năng biến cải hải cảng thành quân cảng. Không phải ngẫu nhiên mà Tầu Cộng sát cánh với nhiều chế độ tham nhũng, độc tài hoặc bị nội loạn như Namibia, Yemen hay Mozambique....

________________________________

Kết luận ở đây là gì?


Trung Quốc từng là một cường quốc lục địa tại Á Châu trong nhiều thế kỷ nhưng có quá nhiều vấn đề bên trong nên ít khi bước ra ngoài.

Từ vài chục năm nay, xứ này bắt đầu bơi ra biển và có tham vọng mở rộng "Con Đường Tơ Lụa" truyền thống đã từng nối liền Trường An (Tây An) với các trung tâm buôn bán tại Trung Á cho đền ngưỡng cửa vào Âu Châu. Gần đây, lãnh tụ Tầu Cộng là Tập Cận Bình nói đến "đường tơ lụa trên biển" là theo ý đó, để nối vùng biển Nam Dương (Indonesia) tại Đông Nam Á với Ấn Độ dương và còn xa hơn nữa.

Nhưng tham vọng ấy đòi hỏi khả năng tiếp liệu cho các chiến hạm. Dù đang đứng hạng nhì về khả năng đó sau Hoa Kỳ, Trung Quốc mới chỉ giải quyết được vấn đề, một cách tương đối, ở vùng biển Đông, dù sao vẫn chỉ là cận duyên. Muốn đi tới trình độ viễn duyên, họ vẫn cần nhiều bãi đáp khác. Chuyện không dễ!

Thứ Tư, tháng 11 26, 2014

Trận Chiến Ngoại Tệ Sắp Tới

Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, Ngày 141126
"Diễn đàn Kinh tế"
 
Hiện tượng "cát chuồi" cũng là khi nghiêng quá thì sẽ lật   
 
000_Hkg7377881.jpg
* Đồng Yên Nhật và Nhân Dân Tệ Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP* 


Trong khi đồng Mỹ kim cứ lên giá liên tục so với các ngoại tệ chính yếu khác thì đồng Yen của nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới là Nhật Bản lại sụt giá mạnh và còn có thể sụt nữa. Vì sao lại như vậy và hậu quả cho các nền kinh tế khác trên thế giới sẽ là gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu nguyên do và ảnh hưởng của sự chuyển động ấy qua phần phân tích cùa chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý thính giả theo dõi cách Việt Long nêu vấn đề như sau đây.

 

Thế giới sẽ gặp biến động về ngoại hối


Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Cách đây một tháng, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra một dự báo bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu, thì trên diễn đàn này ông nói đến việc Mỹ Kim lên giá so với các ngoại tệ khác và nhấn mạnh là thế giới sẽ gặp nhiều biến động về ngoại hối. Từ mấy ngày qua, người ta lại thấy đồng Yen của Nhật sụt giá mạnh so với tiền Mỹ và nhiều loại ngoại tệ khác. Nhật Bản có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ ba của thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc và là một quốc gia xuất cảng rất mạnh. Khi tiền Nhật sụt giá như vậy thì ảnh hưởng sẽ ra sao cho các nền kinh tế khác? Chúng tôi nêu vấn đề trong mục đích tìm hiểu về những biến động ngoại hối mà ông đã nhắc đến từ tháng trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng hôm Thứ Ba 17 vừa qua, Thủ tướng Nhật là ông Shinzo Abe loan báo quyết định giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14 tháng tới. Việc ấy xảy ra sau khi có thống kê xác nhận kinh tế Nhật lại bị suy trầm nữa trong Quý Ba vừa kết thúc vào Tháng Chín. Trước đó, vào ngày 31 Tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng quyết định sẽ lại bơm thêm tiền theo phương pháp gọi là "gia tăng mức lưu hoạt có hạn định" hay "quantitative easing" gọi tắt là QE với số lượng cực lớn, dự trù là tương đương với hơn 700 tỷ đô la mỗi năm, cho đến khi kinh tế ra khỏi suy trầm hoặc lạm phát lên tới 2% thì mới ngưng.

Khi đồng Yen mất giá thì hàng hóa của Nhật lại trở thành rẻ hơn, tức là dễ xuất khẩu hơn, nên sẽ gây sức ép cho các nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như kinh tế Đức và Trung Quốc.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Những biến cố dồn dập ấy giải thích vì sao tiền Nhật mất giá so với các ngoại tệ khác như Mỹ Kim hay đồng Euro của Âu Châu. Nếu nhìn trong dài hạn thì việc đồng Yen mất giá là sự chuyển động dễ hiểu với hậu quả có thể là một trận chiến về ngoại tệ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến nhiều quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, sẽ lâm vào khó khăn trong các năm tới.

Việt Long: Chúng ta lần lượt tìm hiểu hiện tượng này để phần nào thấy trước được biến động ấy. Trước hết, xin ông nói về kinh tế Nhật và những lý do khiến tiền Nhật sẽ còn mất giá nữa.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhật Bản có vấn đề trường kỳ là nạn dân số sút giảm với tỷ trọng rất lớn của người cao niên lớn tuổi – mà người ta gọi là nạn "lão hóa dân số". Lý do sâu xa này khiến mức tiêu thụ sút giảm và hàng họ mất giá. Trong khi đó, vì mở ra làm ăn với toàn cầu, kinh tế Nhật vẫn có ưu điểm là nơi đầu tư ổn định khiến thiên hạ trút tiền mua đồng Yen để tìm cơ hội kiếm lời trên thị trường Nhật. Kết hợp hai chuyện 1) dân số và tiêu thụ giảm khiến kinh tế bị nạn giảm phát – disinflation hay deflation – và 2) nội tệ lên giá dẫn tới hiện tượng giá cả trong nước sụt đều làm người dân càng tiết kiệm và đình hoãn chi tiêu để chờ khi giá hạ hơn nữa. Hoàn cảnh éo le ấy khiến các doanh nghiệp Nhật bị điêu đứng. Đầu tư giảm vì mức lời sụt dẫn tới việc cắt lương và mở ra vòng xoáy lẩn quẩn: lương hạ càng đánh sụt mức tiêu thụ và làm kinh tế đình trệ.

- Sự chuyền động lớn này giải thích vì sao kinh tế Nhật bị suy trầm liên tục từ hai thập niên đã qua. Thế rồi, chiếm đa số áp đảo sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2012, Chính quyền của Thủ tướng Abe mới áp dụng chánh sách cải cách táo bạo, được gọi là Abenomics, nhắm vào ba hướng gọi là "ba mũi tên". Thứ nhất là cố tình gây lạm phát qua biện pháp tăng chi để bơm tiền vào kinh tế theo cái ý khuyến khích dân chúng hãy mua ngay đi kẻo mai này hàng lên giá. Thứ hai là cải tiến môi trường kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bằng cách giảm thuế doanh nghiệp, khi đó thuộc loại cao nhất địa cầu. Thứ ba là cải tổ toàn bộ cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị Nhật để tìm sức bật mới.... 

- Việc tăng chi chưa có kết quả thì Ngân hàng Trung ương Nhật áp dụng biện pháp tăng mức lưu hoạt, tức là bơm thêm tiền vào kinh tế, với một số lượng tương đối cao gấp đôi Hoa Kỳ. Vì thế mà tiền Nhật mới mất giá. Khi đồng Yen mất giá thì hàng hóa của Nhật lại trở thành rẻ hơn, tức là dễ xuất khẩu hơn, nên sẽ gây sức ép cho các nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như kinh tế Đức và Trung Quốc.


Đồng đôla Mỹ và euro Âu Châu. AFP PHOTO.
Đồng đôla Mỹ và euro Âu Châu. AFP PHOTO.
 
Việt Long: Xin được hỏi ông một câu là vì biện pháp tăng chi ngân sách, Nhật Bản hiện mắc nợ nhiều nhất, có thể lên tới 250% tổng sản lượng kinh tế. Thưa ông, đấy không là một vấn đề sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy là một vấn đề, nhất là khi ta nhớ đến khoản tiền lời phải thanh toán, có khi chiếm một tỷ trọng lớn của các khoản chi ngân sách, thí dụ như nếu phân lời đi vay mà lên tới 2% thì tiền lời sẽ lên tới 80% của số tổng thu về thuế khóa cho ngân sách.

- Nhưng, có một thực tế văn hóa và tâm lý mà mình nên chú ý. Khoản công trái rất cao của Nhật có hai đặc tính. Thứ nhất, tuyệt đại đa số là "nội trái", được yết giá bằng đồng Yen, tức là "Nhật nợ Nhật" chứ không nợ ngoại quốc. Thứ hai, chủ nợ của đa số các khoản nợ ấy lại là Ngân hàng Trung ương Nhật, nghĩa là chủ nợ cũng là chủ nhà in giấy bạc và nhờ vậy có quyền quyết định về phân lời cao thấp khi bơm tiền ra. Vì thế, thị trường tài chánh Nhật vẫn ổn định và không bị giao động nặng - trong khi dân Nhật bấm bụng bảo nhau cho nhà nước vay tiền trong tinh thần liên đới gọi là "rau cháo có nhau". Khi Trung Quốc càng tỏ vẻ hung hăng đe dọa quyền lợi của Nhật thì người dân Nhật lại càng chịu đựng và hậu thuẫn chính quyền để cố gắng vượt khó khăn kinh tế. Bây giờ ta mới nói đến chuyện ngoại hối là hối suất đồng Yen....

 

Nguy cơ suy sụp


Việt Long: Như ông vừa trình bày thì có phải chăng là việc tiền Nhật mất giá là một hiện tượng có những lý do sâu xa và lâu dài hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là câu chuyện còn rắc rối hơn vậy nếu ta nhìn trong trường kỳ.

- Khoảng 40 năm trước, có lúc tiền Nhật quả thật là quá rẻ mà nhiều người đã quên mất rồi vì phải hơn 300 đồng Yen mới ăn một Mỹ Kim. Khi kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 và tiền Mỹ mất giá thì là lúc đồng Yen lên giá, một đô la chưa ăn được 80 Yen vào năm 2011. Nó chỉ bắt đầu sụt vào cuối năm 2012, rồi dập dình cả năm 2013 qua tới 2014 ở mức trăm đồng ăn một Mỹ Kim. Bây giờ mới sụt mạnh và còn sụt nữa, có thể tới 150 hay thậm chí 200 đồng vào một hai năm tới. Nhưng so với cái giá 300 hay 350 vào những năm 1970-1975 thì vẫn chỉ bằng phân nửa mà thôi.

Việt Long: Thưa về lâu dài thì ý nghĩa sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn trong lâu dài thì điều ấy có nghĩa là gì? Là trong khoảng 40 năm, có lúc tiền Nhật tăng giá gấp bốn so với đô la và doanh nghiệp Nhật bị thất thế khi cạnh tranh với doanh nghiệp Hoa Kỳ hay với thiên hạ. Họ phải tìm lợi thế bằng cách khác, chứ không nhờ tiền rẻ mà dễ bán hàng hơn.

Một cách chậm rãi, thế giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách cứ tưởng như bất ngờ. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Việt Long: Bây giờ ta mới nhìn qua xứ khác. Thưa ông, đồng Yen mà mất giá như vậy thì hậu quả sẽ là thế nào với các nước khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy một thí dụ nổi bật nhất là nền kinh tế đứng sau nước Nhật và cũng lệ thuộc mạnh vào xuất khẩu, đó là kinh tế Đức. Sau đó mới tới Nam Hàn và Trung Quốc.

- Trong giai đoạn khó khăn sau vụ Tổng suy trầm thì doanh nghiệp Nhật bị mất sức cạnh tranh so với doanh nghiệp Đức, có thể là mất tới hơn một phần ba trong các năm 2010 đến 2012. Thí dụ như tại Mỹ này thì ta thấy xe hơi của Đức bán chạy hơn xe Nhật. Ngoài lợi thế từ chuyện tiền Nhật lên giá, ta không quên rằng khi đó Trung Quốc dốc sức đầu tư vào khu vực nội địa là xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu đường và gia cư địa ốc hơn là xuất khẩu. Nhờ vậy mà Đức trở thành đầu máy cứu vãn cả khối Euro. Bây giờ, cả hai lợi thế ấy của kinh tế Đức đều hết vì tiền Nhật mất giá và kinh tế Trung Quốc co cụm, mất khả năng nhập khẩu. Khi kinh tế Đức cũng suy trầm như người ta bắt đầu thấy từ tháng trước thì cả Âu Châu sẽ lâm nạn, nhất là khi các nước phải chấp hành chính sách cải tổ hệ thống ngân hàng theo yêu cầu của Hội đồng Ổn định Tài chính.

Việt Long: Phải chăng vì vậy mà hồi nãy ông mới nói đến một trận chiến ngoại tệ giữa các quốc gia khi tiền Nhật sụt giá?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là Ngân hàng trung ương của Âu Châu có phản ứng bơm thêm tiền khiến đồng Euro sẽ mất giá. Nam Hàn cũng vừa có động thái hạ lãi suất, y như trường hợp của Trung Quốc. Ít ai nói ra cái chữ dễ sợ là "một trận chiến ngoại tệ" nhưng sự thật thì xứ nào cũng kích thích kinh tế qua các biện pháp tiền tệ hay tín dụng với hậu quả là làm giảm tỷ giá đồng bạc so với các ngoại tệ khác. Các nước Á châu hiện lâm vào hoàn cảnh đó.

- Khốn nỗi, người ta không thể xuất khẩu lên cung trăng để phục hồi kinh tế mà phải bán hàng cho nhau. Khi kinh tế trì trệ thì các nước nhập khẩu ít hơn và xứ nào sống nhờ xuất khẩu sẽ bị hại nhất vì dù có làm giảm giá đồng bạc thì cũng chưa thoát hiểm mà còn phải trả hóa đơn cao hơn khi mua hàng xứ khác với đồng tiền mất giá. Đấy cũng là bài toán nan giải cho ngân hàng trung ương của Việt Nam.

- Một cách chậm rãi, thế giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách cứ tưởng như bất ngờ, và ngoài khối công nghiệp hóa, có chín nền kinh tế lớn bị nhiều bất trắc nhất, đó là Trung Quốc, Liên bang Nga, Brazil, Chile, Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Turkey và Nam Phi. Ngoại lệ duy nhất vẫn là Hoa Kỳ dù tiền Mỹ lên giá, và hôm qua Thứ Ba 25, bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều chỉnh đà tăng trưởng theo hướng cao hơn.

Việt Long: Ông vừa nói đến sự kiện là "một cách chậm rãi, thế giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách bất ngờ". Cách đây hơn một năm, trong dịp phân tích Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ bảy tại Hà Nội, ông có nói đến hiện tượng mà các nhà vật lý gọi là "cát truồi", nghĩa là một cách chậm rãi người ta cứ lặng lẽ tích lũy thêm những yếu tố thất quân bình cho tới khi có sự sụp đổ bất ngờ. Phải chăng, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng đó khi các nước đều cố hạ giá đồng bạc để thoát hiểm mà rốt cuộc lại kéo nhau vào khủng hoảng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng cái gọi là trật tự kinh tế chính trị của các nước là điều gì đó vô cùng phức tạp vì là kết quả của nhiều động thái khác nhau.

- Về trường hợp Việt Nam thì tờ World Affairs vừa có bài bút ký khá dài của nhà báo Michael Totten với đề tựa rất lạ, đó là "Phải chăng đã đến ngày tàn của đảng Cộng sản Việt Nam"? Ra khỏi chuyện Việt Nam thì ta nhớ tới kế hoạch Nga bán năng lượng cho Tầu. Họ tưởng khôn khi nhận tiền bằng đồng Nguyên của Tầu thay vì đô la Mỹ. Nào ngờ dầu thô sụt giá và đồng Nguyên sẽ còn mất giá nữa trong trận chiến ngoại hối sắp tới trong khi đô la lên giá. Kết quả là Nga thu về đồng bạc mất giá trong khi vẫn phải trang trải các khoản nhập khẩu khác bằng tiền Mỹ. Tức là Tổng thống Vladimir Putin có thể hoành hành tại Ukraine và cùng Trung Quốc thì coi thường Hoa Kỳ chứ đang bị thiệt cả hai đầu. Những chuyện như vậy đang chậm rãi xảy ra trước mắt chúng ta mà ít ai chịu để ý!

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này.

Thứ Ba, tháng 11 25, 2014

Di Dân, Nhu Cầu và Thách Đố



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 141124
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Tổng thống Barack Obama đang hoàn tất việc "cải tạo" nước Mỹ


* Cậu bé quàng khăn đỏ Barach Obama và việc phá hoại nước Mỹ *


Cùng lúc với quả bom pháp lý và chính trị của Tổng thống Hoa Kỳ, khi ông Obama đòi đơn phương giải quyết vấn đề di dân nhập lậu bằng Sắc lệnh Hành pháp, nhiều nước Âu Châu cũng nhứ đầu với chuyện di dân. Xin hãy tìm hiểu về vấn đề chung này, trước khi trở về Hoa Kỳ, nhìn từ bên ngoài....



Hôm 23 Tháng 11, Tổng trưởng Nội vụ Vương quốc Anh là Theresa May cho biết Chính quyền của Thủ tướng David Cameron sẽ phải điều chỉnh lại chỉ tiêu hạn chế di dân như đã trù tính trong Dự luật về An ninh và Chống khủng bố sẽ đệ nạp Quốc hội. Số là trước sức ép của đảng Độc lập Anh (United Kingdom Independence Party – UKIP) thuộc xu hướng cực hữu, chống Âu Châu và đề cao tinh thần dân tộc lẫn chủ trương tự do tuyệt đối, Chính phủ liên minh giữa đảng Bảo Thủ của ông Cameron với đảng Tự Do Dân Chủ đề nghị thu hẹp số di dân được nhập cư mỗi năm vào khoảng vài chụ ngàn thay vì 10 vạn. Sau cùng họ đành phải bỏ dự tính này vì khó thành.

Nhưng đồng thời, bà May cho biết là Chính phủ đã và sẽ có thêm biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa nạn khủng bố Hồi giáo đang xâm nhập cộng đồng người Anh gốc di dân từ Nam Á và Phi Châu. Dĩ nhiên là đảng Lao Động thuộc khuynh hướng thiên tả thì đả kích quyết định có vẻ bất nhất đó của chính quyền đương nhiệm, từ bốn năm nay đã phải giải quyết hồ sơ nhức đầu này.

Đồng thời, một vương quốc hiền hòa tại Bắc Âu là xứ Thụy Điển đang phải xử lý hồ sơ di dân trước đòi hỏi của đảng Dân Chủ Thụy Điển, một chính đảng tương tự với UKIP của Anh, và phần nào giống phong trào Tea Party có tinh thần tự do tuyệt đối Libertarian của Mỹ. Tính theo dân số, năm 2013, Thụy Điển là quốc gia tiếp nhận nhiều dân tỵ nạn nhất thế giới và xưa nay vẫn có chánh sách trợ cấp hào phóng nhất. Nhưng, mối nguy khủng bố Hồi giáo cùng khó khăn kinh tế khiến đảng cầm quyền có thể mất đa số vì sức mạnh của đảng Dân Chủ - và dân Thụy Điển nay đang xét lại tinh thần rộng lượng của họ, như nhiều quốc gia khác tại Âu Châu.

Nói chung, trong ba bốn thế kỷ liền, nhiều Đế quốc Âu Châu theo nhau khai thác thuộc địa. Đến giữa thế kỷ 20, khi Âu Châu lụn bại dần thì các quốc gia này nhận vào rất nhiều di dân từ các thuộc địa Á, Phi hay vùng quần đảo của biển Caribbe tại Trung Mỹ. Hiện tượng dân số co cụm và nạn lão hóa dân số khiến các nước Âu châu cần đón nhận di dân, thành phần nghèo đói hơn và có sinh suất cao hơn, để giải quyết nhu cầu lao động của họ. Nhưng ngày nay khi kinh tế khó khăn và khủng bố Hồi giáo tung hoành trong gan ruột của nhiều nước, việc hạn chế di dân được đặt ra. Trong lâu dài, cùng bài toán di dân còn có nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa của từng nước Âu Châu khi nhiều thành phần di dân Á Phi chối từ hội nhập. Hoặc thậm chí đòi hưởng trợ cấp trong tinh thần "ăn của địch để đánh địch" – cho bõ ghét.

Riêng khu vực Bắc Âu lại có đặc tính khác. Chủ trương kinh tế bao cấp và tinh thần đề cao nhân quyền khiến khu vực này là nơi thu hút di dân tứ xứ, nhất là từ các nước bị chiến tranh tàn phá. Cho đến khi tỷ trọng "di dân và bản xứ" cùng nạn khủng bố và phong trào Hồi giáo cuồng tín đã khiến các quốc gia nhân hậu này phải xét lại hồ sơ di dân.

Trường hợp Hoa Kỳ lại khác hẳn.

Đấy là vùng đất hứa của di dân Âu Châu bị bách hại về tôn giáo và khát khao tự do. Bốn thế kỷ sau, Hoa Kỳ là quê hương của mọi loại di dân. Họ đến xứ này để theo đuổi giấc mơ tự do thịnh vượng – hai khái niệm ấy bổ túc cho nhau – rồi là công dân của một quốc gia hình thành từ một quy ước thay vì là một nhóm sắc tộc chính. Quy ước đó là sự trung thành với khái niệm "Hiệp Chủng" – United States – và lời nguyện hy sinh để bảo vệ Hiến pháp. Người ta gọi dân Anh là English của xứ England, dân Pháp là Français của xứ France chứ khó gọi dân Mỹ là "United Statiens" hay "United Statish". Ngay chữ "America" từ nguyên thủy cũng không là định đề Mỹ, hay Bắc Mỹ, nếu ta nhớ tới South America....

Yêu nước Mỹ là bảo vệ các giá trị tinh thần đã làm nên sức mạnh của Hoa Kỳ ngày nay và sau này, chứ không vì nghĩa vụ với các bậc quốc phụ thời lập quốc hay vì niềm kiêu hãnh với các sắc tộc đã xây dựng ra nước Mỹ từ nhiều thế kỷ trước.

Một điểm khác nữa là dân số Hoa Kỳ ngày nay tương đối còn trẻ nếu so với Âu Châu nên không phải cấp bách tiếp nhận di dân để bù vào sự thiếu hụt của lực lượng lao động đến độ gặp bài toán văn hóa chính trị đang dội ngược vào tinh thần hội nhập của Liên hiệp Âu châu và có sự nghi ngờ hay kỳ thị di dân đến từ miền Nam hay các xứ lạ. Ung nhọt của Hoa Kỳ là từng đón nhận và kỳ thị di dân bị cưỡng bách là người nô lệ từ Phi châu vào, người Mỹ da đen. Ngày nay, nước Mỹ vẫn chưa hết trả giá cho chuyện đáng tiếc ấy.

Chúng ta trở lại với một Tổng thống lai da đen, mà không là con cháu của người Mỹ da đen.

Obama chủ trương cải tạo xã hội Mỹ theo tư tưởng nhuốm mùi cực tả từ thành phần trí thức thân cộng ông tiếp nhận khi còn trẻ - thậm chí thuộc Đệ tam Thế giới Á Phi là thù ghét các nước Âu Mỹ - như ta có thể đọc thấy trong cuốn hồi ký viết để chuẩn bị tranh cử về "Những Giấc mơ từ Thân phụ".

Ngay sau khi đắc cử, ông có hai năm 2009 và 2010 với đa số Dân Chủ tại cả lưỡng viện để giải quyết vấn đề di dân và cứu giúp gần 12 triệu người nhập lậu. Đấy là việc chính đáng về đạo lý, tương tự số phận của 30 triệu người không có bảo hiểm y tế. Về chuyện y tế, Obama giải quyết với sự gian trá của đạo luật ObamaCare - một sự gian trá đang bị phanh phui và sẽ còn gây khủng hoảng trong nhiều năm tới.

Trong bốn năm sau đó, Obama đưa ra mọi lý do thoái thác hồ sơ di dân, như không có thẩm quyền pháp lý. Lần cuối là hôm 16 vừa rồi trong một cuộc họp báo bên lề Thượng đỉnh G-20 tại Brisbane của Úc. Sau đó, ngày 20 thì Tổng thống Mỹ đảo ngược mọi lý luận, kể cả viện dẫn các tiền lệ Cộng Hoà thời Ronald Reagan và George W. Bush để đơn phương giải quyết hồ sơ này bằng Sắc lệnh của Hành pháp, bất chấp quan điểm và quyền hạn của Lập pháp sắp vào tay đối lập Cộng Hoà.

Mâu thuẫn đó, nhiều người nói tới, viết ra, kể cả tổ chức kiểm chứng sự trung thực chính trị (FactCheck.org) của trung tâm Annenberg thuộc Đại học Pennsylvania. Quý độc giả có thể vào đó tham khảo để phần nào biết ra sự thật.

Điều đáng tiếc - và đáng ngại - là nhiều lãnh tụ Dân Chủ lại ủng hộ thái độ nhập nhằng ấy của Obama, có khi nhằm giăng bẫy đảng Cộng Hoà cho kỳ bầu cử 2016. Người ta đã vì lý do chính trị ngắn hạn lấy những quyết định có hậu quả lâu dài và bất ngờ cho nước Mỹ, như Âu Châu tàn tạ đang gặp ngày nay....

______________________


Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ

Hôm Thứ Năm 20, một tòa kháng án liên bang của Michigan đã truất quyền dùng nệm hơi của một tù nhân. Richard Boone II bị vào tù Pugsley của thị trấn Traverse City về tội ăn cướp nhưng đòi nệm ngủ bằng hơi cho mềm vì có thương tật ở đùi và chân. Nhà Trừng Giới địa phương từ chối đòi hỏi vì 1) tù nhân nên tập thể dục để bớt đau và vì 2) tiền lệ ấy khiến họ phải trang bị 40 ngàn tấm nệm cho các tù nhân khác. Một tòa dưới đã ra phán quyết ủng hộ quan điểm của tù nhân, cho tới khi bị ba thẩm phán toà phá án phủ nhận với đa số tuyệt đối. Chi tiết rất Mỹ là chàng Boone viện lý do: "không có nệm bơm hơi, tớ sẽ ghiền ma túy vì phải dùng thuốc giảm đau". Tuyệt vời thay, giấc mơ Hoa Kỳ!