Thứ Tư, tháng 5 27, 2015

Cách Mạng Dầu Khí Tại Hoa Kỳ

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân nghĩa, RFA Ngày 150527
Diễn đàn Kinh tế
Hoa Kỳ đang đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu  

 
Một bãi khai thác dầu đá phiến ở Hoa Kỳ
* Một bãi khai thác dầu đá phiến ở Hoa Kỳ Courtesy photo/Oilprice/Global Risk Insights *




Hoa Kỳ lặng lẽ tiến hành một cuộc cách mạng về công nghệ chiết dầu từ đá phiến khiến sản lượng gia tăng đã làm giá giảm phân nửa, từ hơn trăm đô là một thùng xuống còn có khoảng 45 đồng. Thế rồi từ ba tháng nay, gía dầu lại tăng khi sản lượng quá lớn làm ứ đọng hệ thống tồn trữ và người ta nói đến những giới hạn, thậm chí sự chấm dứt, của công nghệ gạn cát ra dầu, hay “shale”. Sự thật ra làm sao và sản lượng dầu thô của Mỹ có còn tăng hay không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề này để thấy ra hậu quả lâu dài của giá dầu thô trên thế giới. Sau đây là phần trao đổi của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.


Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, một cách khá bất ngờ sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đã đột ngột tăng vào năm ngoái, lên tới hơn một triệu thùng một ngày nhờ công nghệ chiết dầu từ đá phiến. Biến cố ấy được đánh giá là chưa từng thấy kể từ khi các nước bắt đầu khai thác dầu thô hơn trăm năm về trước. Sản lượng gia tăng đã đánh sụt giá dầu trong một mức độ ít ai thấy kể từ ba chục năm qua. Tuy nhiên, từ Tháng Ba vừa qua cho tới Tháng Năm này, giá dầu đã từ khoảng 45 đô la một thùng nhích lên mức 60-65 vì nhiều nơi bị ứ dầu và cả trăm giếng dầu đã bị đóng. Vì vậy, người ta nêu ra câu hỏi là liệu cuộc cách mạng về kỹ thuật khai thác dầu từ các giai tầng đá phiến có chấm dứt tại Hoa Kỳ không nếu giá dầu gia tăng làm kỹ thuật mới sẽ bớt có lời? Ông nghĩ thế nào về câu hỏi này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: -Tôi xin trước hết nói về phương pháp tìm dầu và khí đốt trong đá phiến mà người ta gọi là “fracking”. Công nghệ tìm dầu này đã có từ lâu mà chưa được chú ý, sử dụng hay cải tiến vì giá thành quá cao. Một cách khái quát, nó nhắm vào việc xoi dọc xuống các giai tầng đá phiến nằm sâu dưới mặt đấy hay mặt biển, rồi xoi ngang, và bơm xuống một dung dịch nước cùng hóa chất với áp suất cực mạnh để làm vỡ các phân tử dầu khí nằm trong đá và hút lên thành nguồn năng lượng mới. Khi giá dầu thô trên thế giới gia tăng từ năm 2008 thì nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tìm hiểu và khai thác kỹ thuật này với cải tiến liên tục. Kết quả là sản lượng dầu mới của Hoa Kỳ đã tăng đột ngột làm giá dầu sụt mạnh vì cung lớn hơn cầu. Cũng vì quy luật cung cầu đó, khi giá dầu giảm thì nhiều loại giếng dầu mới không còn có lợi nữa và bị khóa lại chờ thời cơ thuận tiện hơn. Trong khung cảnh ấy, các thị trường mới nêu câu hỏi là cuộc cách mạng về công nghệ chiết dầu từ đá phiến có còn giá trị không? Và Hoa Kỳ có hy vọng trở thành một đại gia mới nổi về dầu khí hay không?

Nguyên Lam: Khi theo dõi tình hình khai thác dầu và hậu quả kinh tế về giá cả thì ông có tìm ra giải đáp nào cho câu hỏi này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật mới thì ta nên biết thêm về hậu quả kinh doanh. Các nhà sản xuất dầu bằng công nghệ mới không là những tập đoàn dầu khí nổi tiếng toàn cầu với những giếng dầu trị giá bạc tỷ mà là doanh nghiệp nhỏ với sự hỗ trợ tài chính của giới đầu tư và không đào mà xoi dầu bằng loại thiết bị khá rẻ với khả năng di động cao theo kiểu du kích.

Công nghệ tìm dầu này... Một cách khái quát, nó nhắm vào việc xoi dọc xuống các giai tầng đá phiến nằm sâu dưới mặt đấy hay mặt biển, rồi xoi ngang, và bơm xuống một dung dịch nước cùng hóa chất với áp suất cực mạnh để làm vỡ các phân tử dầu khí nằm trong đá và hút lên thành nguồn năng lượng mới Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Họ tính là nếu “phí tổn biên tế” cho một thùng dầu được bơm thêm theo kỹ thuật mới mà thấp hơn giá bán trên thị trường thì còn nên bơm. Nhưng nếu giá thị trường sút giảm quá mạnh thì việc bơm thêm sẽ hết có lời và họ tạm ngưng việc sản xuất đó. Trường hợp này đã xảy ra từ nhiều tháng qua và gián tiếp làm dầu thô lên giá sau khi đụng đáy ở khỏang 45 đồng một thùng. Lý do là đa số các doanh nghiệp đào dầu theo công nghệ mới đã cải thiện được kỹ thuật khai thác để giảm phí tổn, từ khoảng sáu bảy chục đô la một thùng thì xuống tới bốn năm chục. Nhưng nếu giá hạ hơn nữa thì họ phải tính lại.

- Tuy nhiên, và đây là một yếu tố mới, lồng trong cuộc cách mạng về phương cách khai thác dầu bằng công nghệ mới, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng vừa hoàn thành một cuộc cách mạng khác. Đó là cách mạng về thông tin trong lĩnh vực địa chất để biết được khá chính xác tiềm năng dầu khí dưới lòng đất và khai thác có lời với phí tổn còn thấp hơn nữa, có thể là chỉ mất mươi đô la là đã ra một thùng dầu, tức là tương tự như hiệu năng rất cao của xứ Á Rập Saudi.

Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đào dầu và giữ vị trí số một về nguồn năng lượng này. Nhưng xin đề nghị ông trình bày thêm về cuộc cách mạng thông tin liên hệ đến dầu khí. Nó là cái gì vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đều nghe nói đến kỹ thuật số hay “digital” với khả năng vận trù hàng triệu tỷ “bytes” trở lên, hay “petabytes”. Cuộc cách mạng về công nghệ tin học tại Hoa Kỳ và vài xứ khác không ngừng phát triển và cải tiến liên tục nên nhờ đó con người biết thêm rất nhiều điều trước đây không nhìn thấy hay đếm ra, như trong lĩnh vực điện toán, y tế, cơ thể học hay các chủng tố trong cơ thể. Kỹ thuật đó cũng được lĩnh vực năng lượng khai thác để biết rõ tiềm năng về dầu khí gần như trong từng mét vuông của lãnh thổ. Nhờ sự hiểu biết này, các doanh nghiệp có thể biết triển vọng đào dầu ở từng nơi, trong cả triệu giếng dầu sẽ khai thác được.

Nguyên Lam: Khi ông dùng chữ “sẽ khai thác được” thì điều ấy có nghĩa là gì? Là được phép khai thác, hay có đủ tư bản để khai thác hay khai thác mà có lời?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng mình có thể thấy ra tiềm năng từ cả ba yếu tố đó. Trước hết là từ yếu tố chính sách hay luật lệ để nhà nước cho phép doanh nghiệp tiến hành việc khai thác ở nhiều nơi trong lãnh thổ hay lãnh hải với quy chế thuế khóa khác. Thứ hai là yếu tố tư bản, là giới đầu tư thấy được tiềm năng mà liều lĩnh tài trợ việc khai thác và cải tiến công nghệ ấy. Thứ ba là yếu tố kinh doanh lời lỗ, là lần lượt chọn lựa nơi khai thác có lời nhất căn cứ trên giá cả. Cho tới nay, sau đợt cách mạng đầu tiên thì các mẻ dầu khai thác được đã bị ứ vì thiếu nơi tồn trữ. Nhưng song song, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục khảo sát, xoi ống bơm dầu mà cứ để đó và không bơm thêm. Trong một tương lai không xa là vài ba năm nữa thôi, cuộc cách mạng đợt hai nhờ kỹ thuật số và các thiết bị mới hơn sẽ giúp các doanh nghiệp đào thêm dầu nhanh hơn với giá thành còn thấp hơn. Khi ấy, nước Mỹ sẽ làm đảo lộn kỹ nghệ dầu khí và kinh tế năng lượng của thế giới.


Khai thác dầu tại Monterey Shale, California với kỹ thuật fracking hôm 24/3/2014
Khai thác dầu tại Monterey Shale, California với kỹ thuật fracking hôm 24/3/2014. AFP

Hoa Kỳ cũng vừa hoàn thành một cuộc cách mạng khác. Đó là cách mạng về thông tin trong lĩnh vực địa chất để biết được khá chính xác tiềm năng dầu khí dưới lòng đất và khai thác có lời với phí tổn còn thấp hơn nữa, có thể là chỉ mất mươi đô la là đã ra một thùng dầu Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Nếu kiểm điểm lại từng bước của việc khai thác dầu khí từ cả trăm năm nay thì người ta đã tiến tới trình độ khai thác gọi là hiện đại mà nay đang thành cổ điển với các giếng dầu bạc tỷ của các tập đoàn lớn. Thế rồi bỗng dưng người ta thấy xuất hiện các doanh nghiệp loại nhỏ với dàn khoan tốn chừng vài chục tới vài triệu đô la, có khả năng di động cao và có thể tìm tới nơi đào dầu mới, ở ngoài ba khu vực lớn nhất trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Bây giờ thì coi bộ các doanh nghiệp còn có bước nhảy vọt nữa nên người ta mới có triển vọng đào ra dầu mà tốn chừng mươi đô la một thùng. Thưa ông, phải chăng Chính quyền Mỹ đã yểm trợ hai đợt cách mạng đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, Chính quyền Hoa Kỳ không yểm trợ công nghiệp dầu khí mà còn có ý ngược, là khai thác lĩnh vực quang năng làm giải pháp thay thế. Đó là lấy năng lượng bằng ánh sáng mặt trời và còn trợ cấp cho doanh nghiệp, như trường hợp công ty Solyndra tại California được giúp tới 500 triệu đô la mà lại phá sản. Thật ra, dù không được nhà nước chiếu cố, yếu tố cạnh tranh mới khiến tư doanh phát huy sáng kiến. Họ cải tiến năng suất để tốn ít tiền hơn mà vẫn có một thùng dầu theo tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh còn cao hơn trước.

- Tôi thiển nghĩ là ta nên mường tượng ra sự thể chẳng khác gì cuộc cách mạng vừa qua trong lĩnh vực viễn thông. Người ta phát minh và sản xuất ra loại điện thoại di động, rồi “điện thoại khôn” với khả năng thông tin rất lớn và giá thành rất rẻ làm đảo lộn khu vực điện thoại. Cuộc cách mạng tự phát ấy xảy ra ngoài sự dự liệu của nhà nước và còn cải thiện gần như mỗi ba tháng phong cách sinh hoạt của con người. Lĩnh vực dầu khí cũng đang có các đợt cách mạng dồn dập như vậy nên giá thành sản xuất dầu khí còn chi phối tiến trình sản xuất của mọi ngành khác. Từ nhiều thập niên, kỹ nghệ chế biến của Hoa Kỳ đã sa sút vì phí tổn quá cao so với khu vực dịch vụ và gây tranh cãi về chính sách kinh tế hay thương mại. Nhưng với sự cải tiến bất ngờ của kỹ thuật dầu khí, khu vực chế biến tại Hoa Kỳ đang hồi sinh và tiếp nhận được nhiều nguồn đầu tư mới.

Trong một tương lai không xa là vài ba năm nữa thôi, cuộc cách mạng đợt hai nhờ kỹ thuật số và các thiết bị mới hơn sẽ giúp các doanh nghiệp đào thêm dầu nhanh hơn với giá thành còn thấp hơn. Khi ấy, nước Mỹ sẽ làm đảo lộn kỹ nghệ dầu khí và kinh tế năng lượng của thế giới Nguyễn-Xuân Nghĩa 
Nguyên Lam: Giới chuyên môn tại Hoa Kỳ có vẻ lạc quan tin tưởng vào triển vọng đó, ông nghĩ sao về câu hỏi này? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thú thật là có đọc thấy nhận định của một Giáo sư Hoa Kỳ nên mới giật mình tìm hiểu thêm chứ làm sao mình có thế biết hết mọi chuyện được. Ông John Shaw là Trưởng ban Khoa học về Địa cầu của Đại học Harvard có lần phát biểu rằng “nói không sai, hình như ta không ở vào giai đoạn cuối của thời chiết đá ra dầu mà mới chỉ ở vào giai đoạn đầu thôi”.

- Khi tìm hiểu thêm thì mình mới thấy ra nhiều thay đổi gần như toàn diện, trong việc chiết đá ra dầu, như trù hoạch dự án, tiếp liệu hậu cần, định hình nơi khai thác một cách chính xác, dùng máy tự động hay “robotics”, kể cả máy bay “drone” cùng tia “laser” cực mạnh, xử lý dung dịch hóa chất cao cấp để thủy giải hay nhiệt giải với tốc độ nhanh hơn và phí tổn thấp hơn, v.v… Trong ngần ấy tiến bộ, có lẽ yếu tố quan trọng nhất là khả năng vận trù một lượng thông tin cực lớn để tìm ra giải pháp người ta gọi là tối hảo, tức là có giá trị kinh tế cao nhất với phí tổn tài chính hay môi sinh thấp nhất. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một đợt cách mạng mới đang xảy ra trước mắt.

Nguyên Lam: Một cách thận trọng, thưa ông, đâu có thể là những trở ngại hay khó khăn của cuộc cách mạnh này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như trong mọi trường hợp của người đi tiên phong, họ thường bị bắn vào lưng vì sự khai phá có thể va chạm vào quyền lợi của người khác ở đằng sau. Tại Hoa Kỳ, người ta cứ gán cho kỹ nghệ dầu khí những hình ảnh xấu xa và điều ấy có thể ảnh hưởng đến chính sách, luật lệ và chế độ thuế khóa. Thứ hai, Hoa Kỳ vẫn còn bị ràng buộc bởi hai đạo luật cổ xưa là luật cấm xuất khẩu dầu thô đã ban hành từ hơn 40 năm trước và luật hạn chế việc chuyển vận dầu khí bằng thương thuyền căn cứ trên đạo luật Merchant Marine Act ban hành từ năm 1920. Chuyện thứ ba thì mới hơn, đó là sau vụ khủng hoảng 2008, Hoa Kỳ có thêm qua nhiều luật lệ kiểm soát doanh nghiệp khiến giới đầu tư ngần ngại lập ra doanh nghiệp mới và có lẽ đây là lý do khiến kinh tế chậm phục hồi. Sau cùng ta còn có luật lệ về quản lý đất đai hay công thổ của liên bang theo đó có nhiều khu vực không được quyền khai thác. Trào lưu bảo vệ môi sinh sẽ sử dụng hệ thống luật lệ ấy khiến cho dù người ta được biết là có tiềm năng dầu ở dưới thì vẫn không được thăm dò và khai thác. Có thể là sau cuộc bầu cử năm tới, tình hình sẽ thay đổi với một hệ thống lãnh đạo mới.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


Thứ Ba, tháng 5 26, 2015

Siêu Cường Đi Ngang



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150525
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ Đang Lên hay Xuống?


 * Hùng dũng lắm mà cũng lúng túng lắm *



Đây là thời sự nhé:

Cứ mươi ngày lại có một vụ tai tiếng ở Hoa Kỳ về nạn bạo hành người da đen, thường là bị cảnh sát bắn hạ, sau đó, nghi can là cảnh sát viên có bị truy tố hay không thì cũng có biểu tình phản đối, dẫn tới bạo động. Đâu là vấn đề? Hệ thống cảnh sát hay chánh sách dân quyền nhằm nâng đỡ người da đen khiến họ sống trong từng khu vực riêng với nhiều bất ổn bên trong? Thành phần nào cũng có câu giải đáp, và bất đồng với nhau. Đệ nhất siêu cường mà như vậy sao?

Tổng thống Barack Obama vừa tổ chức một thượng đỉnh về an ninh với sáu quốc gia Á Rập Hồi giáo trong vùng Vịnh Ba Tư, nhưng có bốn nguyên thủ không tham dự, kể cả Quốc vương Saudi Arabia. Một trong bốn người từ chối vào lúc chót vì bận đi Anh xem… đua ngựa. Bá chủ họp chư hầu mà bị tẩy chay? Ngay sau đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm luôn hai thành phố quan trọng tại Iraq và Syria, trong khi hai cường quốc Iran và Saudi Arabia gián tiếp đụng trận tại Yemen và một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong Minh ước NATO là Turkey thì tìm mua võ khí của Trung Quốc.

Hoa Kỳ hết bạn?

Mà tại sao đi ngược quan điểm của Hoa Kỳ, nhiều đồng minh của Mỹ lại tham gia dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB? Và một cách phản đòn của Hoa Kỳ là hoàn thành Hiệp ước TPP thì lại gặp trở ngại ở nhà vì dự luật TPA? Sau khi vượt qua sóng gió và dăm ba điều kiện tiên quyết, Thượng viện đã thông qua dự luật, để trái banh sẽ lăn vào một nơi còn gai góc hơn nữa, là Hạ viện.

Nói tới Trung Quốc thì việc Bắc Kinh ra sức xây dựng và củng cố nhiều căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa đã gây lo ngại cho các nước. Khi Hoa Kỳ gửi máy bay trinh sát P8-A Poseidon tới nơi do thám tình hình thì bị Hải quân Trung Quốc hăm dọa và người ta nói tới rủi ro đụng độ Mỹ-Hoa trẻn vùng biển Đông Nam Á.

Chiến tranh lạnh đang tái xuất hiện?

Câu hỏi kinh hãi ấy chưa thể có giải đáp vì Tổng thống Obama tuyên bố rằng nguy cơ chiến lược nhất cho nhân loại là nạn… nhiệt hóa địa cầu, trong khi truyền thông Mỹ theo dõi cuộc tranh cử tổng thống vào năm tới.

Bên đảng Dân Chủ, ứng cử viên Hillary Clinton đang là ngôi sao, mỗi ngày sáng rực một chuyện. Ngày chẵn thì có một tiết lộ về tiền, ăn quá nhiều của thiên hạ, kể cả thế lực ngoại quốc thì bà trả bằng gì? Hối mại quyền thế? Ngày lẻ là chuyện thư. Điện thư của bà trong thời gian làm Ngoại trưởng đã bị xóa thế nào trong trương mục cá nhân? Tại sao không dùng trương mục có bảo vệ và lưu trữ của bộ Ngoại giao? Giữa những tin xấu dồn dập ấy, người ta cũng theo dõi xem con ong chúa đang được bầy ong thợ là báo chí cánh tả của phe ta bênh vực thế nào.

Bên đảng Cộng Hòa tình hình còn nhiễu nhương gấp bội.

Chuẩn ứng cử viên thì có hàng tá, và sáu tay dẫn đầu thì cãi nhau về mọi chuyện mà chưa thể trả lời rằng nếu đắc cử thì sẽ làm gì cho dân Mỹ, hoặc sẽ dẫn Hoa Kỳ về đâu trong một thế giới đang có quá nhiều thách đố? Thí dụ như phe diều hâu về an ninh thì đòi tăng chi quốc phòng, phe diều hâu về kinh tế thì đòi giảm chi ngân sách, phe bồ câu về an ninh muốn Mỹ quay về lo việc ở nhà và đừng xía vào thiên hạ sự, như thế mới là yêu nước Mỹ. Chưa xác định chương trình hành động trong tương lai, ngần ấy người đều tập trung vào việc phê phán chánh sách đối ngoại của Chính quyền Obama, và thành tích của Hillary khi làm Ngoại trưởng. Việc đó tương đối dễ!

Một vòng thời sự như vậy cũng khiến người ta tá hỏa tam tinh: Hoa Kỳ chưa thể thảo luận về các vấn đề hệ trọng của năm tới vì trước mắt, ở trong nhà, lại có nhiều chuyện hệ trọng hơn!

Nhìn từ bên ngoài, và trong một viễn cảnh dài hơn một chu kỳ chứng khoán hay một cuộc khảo sát dư luận, chúng ta thấy Hoa Kỳ có phản ứng của chiến lược gia ưu hạng về… chiến thuật. 
'

*


Tình trạng ấy thật ra khởi sự từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên bang Xô viết.

Trên đà tan rã của Liên Xô, Iraq tấn công Kuweit và đe dọa Saudi Arabia sau khi thắng thế trong trận chiến với Iran. Hoa Kỳ lập tức can thiệp, với các đồng minh của Minh ước NATO và các nước Á Rập cùng một số quốc gia vừa thoát khỏi Đế quốc Xô viết. Ngay sau đó, trên sự hoang tàn của Đế quốc đỏ, nội chiến bùng nổ trong vùng Balkan với sự tan rã của Liên bang Nam Tư Yugoslavia. Trước sự phân vân và bất lực của các nước Âu Châu, Hoa Kỳ đành nhập cuộc để ổn định vùng Balkan và còn bênh vực Kosovo sau khi giáng đòn cho Cộng hòa Serbia.

Hai loại biến cố trên đều có sự tham dự thật ra là miễn cưỡng của nước Mỹ.

Người ta vội nói đến một “Trật tự mới” của thế giới, chữ của Chính quyền George W. H. Bush (ông Bush cha), và chào mừng sự xuất hiện của Liên hiệp Âu châu trong đà thắng thế của chế độ dân chủ và kinh tế thị trường. Chứ đấy là một trật tự bất ổn, báo hiệu những biến động ngày nay tại Đông Âu, Trung Âu và các nước Hồi giáo Trung Đông.

Loạt biến cố thứ hai là vụ khủng bố 9-11 vào năm 2001 với phản ứng của Hoa Kỳ là trận chiến toàn cầu chống khủng bố Hồi giáo.

Nước Mỹ muốn vừa trả đòn vừa thiết lập một trật tự khác trong thế giới Hồi giáo. Sau cả chục năm chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và nhiều nơi khác, với phí tổn là ba ngàn tỷ đô la chưa kể cả vạn sinh linh, Hoa Kỳ không dàn xếp được thế giới Hồi giáo mà tình hình lại còn suy đồi hơn. Hậu quả là người dân thất vọng và muốn thu quân kéo về.

Biến cố thứ ba là vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế.

Các nước Âu Châu bắt đầu vất vả về kinh tế, khối Euro bị khủng hoảng tài chánh và Liên Âu khủng hoảng về chính trị. Ngần ấy quốc gia đều bị ảnh hưởng và Liên Âu hết thống nhất. Đấy là lúc Liên bang Nga quật khởi và tìm lại một phần không gian đã mất của Liên Xô để xây vùng trái độn. Georgia rồi Ukraine bị tấn công và Vladimir Putin không chỉ bành trướng tại Đông Âu mà còn muốn chi phối Trung Đông trước sự bất nhất và bất lực của Liên Âu.

Vụ khủng hoảng 2008 còn tác động vào phản ứng của Trung Quốc.

Bắc Kinh bơm tiền kích thích kinh tế vì sợ các thị trường Âu-Mỹ đều suy sụp và mất sức nhập cảng. Hậu quả là nạn vay tiền làm bậy khi kinh tế hết còn sức tăng trưởng như xưa. Cũng do sự bận rộn của Hoa Kỳ với hồ sơ Hồi giáo Trung Đông, Bắc Kinh chụp lấy cơ hội bành trướng ảnh hưởng tại Đông Á. Hậu quả là sự bất ổn về an ninh cho các nước trong khu vực và khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị cho lãnh đạo Trung Quốc.

Tình trạng mâu thuẫn ấy có thể giải thích vì sao lãnh đạo mới của Trung Quốc ra tay chấn chỉnh về nội chính qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng, mà khó cải cách về cơ chế chính trị trong khi vẫn tỏ vẻ hung hăng với bên ngoài. Hoàn cảnh kỳ lạ này khiến người ta nói đến nguy cơ Chiến tranh lạnh, là điều nước Mỹ không thích, dân chẳng muốn nghe mà lãnh đạo thì lúng túng.


*


Từ năm 1991 đến nay, qua ngần ấy vụ khủng hoảng, từ Iraq qua Lybia, Syria. từ Georgia qua Ukraine, từ Miến Điện tới vùng biển Đông Nam Á, Hoa Kỳ đều chỉ có phản ứng chiến thuật.

Nước Mỹ vẫn là một siêu cường mạnh nhất, mà không thể định hình được một thế giới đã có quá nhiều đổi thay. Thế giới vẫn cần một siêu cường có khả năng can thiệp để tìm sự ổn định, nhưng Hoa Kỳ phân vân giữa những yêu cầu trái ngược, hoặc buông tay, hoặc quay về vai trò lãnh đạo với những trách nhiệm, khó khăn và tốn kém mà người dân không chấp nhận.

Siêu cường Mỹ chưa biết là sẽ đi xuống hay đi lên, cho nên bèn đi ngang. Đấy là yếu tố bất ổn khác.

Thứ Hai, tháng 5 25, 2015

Lệ Thần Trần Trọng Kim



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 150525

Khí Lực Văn Chương - Nhân Huân Chính Trị

 
Hình bìa Hồi ký Trần Trọng Kim

























Chúng ta có nhiều cách đánh giá một nhân vật như Trần Trọng Kim, một người sinh ra khi quốc gia vừa mất chủ quyền vào năm 1883. Nhưng cách đánh giá khách quan và trung thực nhất là phải đặt ông vào hoàn cảnh lịch sử thời đó, chứ không nên dùng những khái niệm đã trở thành phổ biến và được đa số chấp vào thời nay.

Vào thời đó, cả một hệ thống văn hóa và chính trị của Việt Nam bị sụp đổ khiến cho một đất nước từng là cường quốc vùng Đông Nam Á lại bị Tây phương khuất phục sau 25 năm tấn công từ Nam ra Bắc. Khi giao tranh bùng nổ năm 1859, lãnh thổ của chúng ta, từ Nam kỳ Lục tỉnh đến miền Bắc - đã anh hùng đánh bại quân Mãn Thanh 60 năm trước - đều lần lượt rơi vào vòng thống trị của Pháp. 

Nhưng dù triều đình đã phải ký “hòa ước”, nào Quý Mùi 1883 nào Giáp Thân 1884, nơi nơi vẫn còn người tranh đấu để giành lại nền độc lập. Nơi nào có Pháp thống trị, nơi đó có phong trào kháng Pháp. Thế rồi ngần ấy phong trào đều thất bại. Tại sao? 

Vẫn biết rằng “Việt sử là tranh đấu sử” và anh hùng hào kiệt thời nào cũng có, nhưng tại sao dân ta lại thất bại sau ngần ấy hy sinh?

Trưởng thành từ khi nhân loại bước vào Thế kỷ 20, và bắt đầu đi làm khi Á châu vừa qua một cơn chấn động khác là sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh ở phương Bắc vào năm 1911, một người như Trần Trọng Kim thì không thể không tự hỏi “vì sao dân ta thất bại”? Nhất là khi thân phụ của người là cụ Trần Bá Huân cũng từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. 

Câu trả lời của ông được thấy trong cái cách Trần Trọng Kim chọn nghiệp. Là nhà giáo dục.

*

Ông là nhà giáo với ước nguyện mở mang dân trí. Trong ba chục năm liền, từ 1911 đến 1941, ông tận tụy đảm nhiệm rất nhiều công việc, mà ngần ấy việc đều tập trung vào ý hướng nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí. 

Chuyện dân trí thì ai cũng rõ. 

Còn dân khí? Bài “Bình Ngô Đại Cáo”, tác phẩm được coi là “thiên cổ hùng văn” của dân tộc do Nguyễn Trãi thảo ra năm 1427 đã lần đầu tiên được ông lược dịch từ Hán ngữ sang quốc ngữ cách nay trăm năm, trong cuốn “Sơ học An Nam Sử lược” cho cấp sơ học xuất bản năm 1916. Rồi được dịch lại hoàn chỉnh vào năm 1919 trong cuốn “Việt Nam Sử lược” dành cho cấp trung học. Cùng với người anh rể là cụ Phó bảng Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim là tác giả của bản dịch đó, cho tới nay vẫn được đánh giá là hay nhất, vì ngôn ngữ có thần.

Tức là Trần Trọng Kim muốn hun đúc tinh thần yêu nước cho giới trẻ, từ khi còn nhỏ. Tầm nhìn rất sâu và độ mở rất rộng qua mọi lãnh vực tư tưởng của các công trình biên khảo và trứ tác của một con người tân học phải được nhìn thấy từ đó, với hai chục cuốn sách đủ loại chưa kể cả trăm bài viết có khi đang thất truyền.


*

Đã vậy, thế kỷ 20 cũng là khi Việt Nam bước qua một cuộc cách mạng văn hóa ít được chú ý, hoặc còn bị đánh giá sai.

Trải qua ngàn năm độc lập, dân ta vẫn dùng chữ Hán để truyền đạt tư tưởng, nhưng cố giữ lấy hồn nước bằng chữ Nôm mà dân ta gọi là “quốc âm”. “Âm” và “quốc” là hai điều nên nhớ thì hiểu được tầm quan trọng của ngôn ngữ. Nhưng khi “quốc âm” vừa thắng thế mà chưa kịp thấm vào mọi giai tầng xã hội thì cũng là lúc quốc gia bị khuất phục. 

Sau đó, ngôn ngữ lại bị đổi một lần nữa!

Bắt đầu từ thế kỷ 20 thì người ta dùng mẫu tự Latinh để diễn tả lời nói và gọi đó là “quốc ngữ” cho cả nước. Từ “quốc âm” qua “quốc ngữ”, dân ta đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, hoặc bị áp đặt một thứ cách mạng. 

Nhiều người cho rằng nhờ đó mà dân ta đã có thể canh tân. Đấy là một sai lầm nếu ta nhớ đến hai nước đã rất sớm canh tân và đang trở thành hiện đại nhất mà vẫn dùng ngôn ngữ cũ, là Nhật Bản và Đại Hàn. 

Nói theo danh từ điện toán của thế kỷ 21, dân ta vừa thay đổi “nhu liệu” hay “software”, khiến cho việc thông hiểu di sản tinh thần của tổ tiên bị cách ngỡ. Dù có văn bản trước mắt, đa số chúng ta không còn biết Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, Nguyễn Huệ nói sao và viết gì. Đọc lại các bài phú của Ngô Thì Nhậm hay thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thậm chí Truyện Kiều hay Thơ Nôm của Nguyễn Trãi là mình phải có người thông dịch.

Trong giai đoạn giao thời đầy những khó khăn và băn khoăn giữa hai vùng cũ mới, Trần Trọng Kim là người đi tìm chìa khóa cho đời sau hiểu được đời trước mà khỏi đánh mất quốc hồn. 


*


Chẳng những vậy, với sự tài hoa của người tân học mà thấm nhuần cựu học, ông đã “làm mới văn chương” trước khi khái niệm này được đời sau nói tới.  

Con người Trần Trọng Kim có khí có lực và điều ấy phản ảnh qua ngôn ngữ văn chương của ông. Từ sau Trần Trọng Kim, dân ta không còn viết như trước với nhịp điệu biền ngẫu, mà dùng những chữ đơn giản, súc tích, viết ra và nói ra là ai cũng hiểu.   

Trong cuộc cách mạng bất ngờ hay bất đắc dĩ, Trần Trọng Kim góp phần bảo tồn di sản và vẽ ra hướng mới trong một địa hạt quan trọng nhất của xã hội, là ngôn ngữ, là khả năng truyền đạt. Nhờ vậy mà sau này Nội các Trần Trọng Kim mới có chương trình chuyển ngữ và cải cách giáo dục của cấp trung tiểu học.

Ba chục năm đầu của nhà giáo dục đại chúng Trần Trọng Kim là những cống hiến lớn lao như vậy về lượng. Với “khí lực văn chương” là nét đặc sắc về phẩm. Chỉ nội việc đó cũng đủ để hậu thế phải tìm lại và giữ lại các công trình biên khảo và trứ tác của ông. 

Trần Trọng Kim Toàn Tập” là một nhu cầu cho các thế hệ về sau.


*


Khốn nỗi vận nước lại chìm trong những xoay vần của thế giới. 

Không gian hành xử của dân ta hết còn kích thước hai chiều Nam-Bắc, nước Nam và Trung Hoa, mà cũng chẳng còn là tam giác Tây-Ta-Tầu nữa. Chúng ta trôi vào không gian đa chiều với việc thực dân Pháp bị đánh bại ở bên Pháp và Nhật Bản can thiệp vào Việt Nam. 

Trần Trọng Kim không thể không hiểu ra điều ấy, khi ông viết

“Năm Quý Mùi (1943) là năm trăng mờ gió thảm, tiếng chiến tranh inh ỏi khắp hoàn cầu, toàn xứ Ðông Dương bị quân Nhật tràn vào, họa chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Dân Việt bị đói kém đau khổ đủ mọi đường, lại căm tức về nỗi nước nhà suy nhược phải bị đè nén dưới cuộc bảo hộ trong sáu bẩy mươi năm, cho nên ai cũng muốn nhân cơ hội ấy mà gây lại nền độc lập đã mong mỏi từ bao lâu.

Trong khi Pháp đang bị cái nạn chiến tranh, người Pháp đối với người Việt Nam không đổi thái độ chút nào, mà người Nhật lại muốn lợi dụng lòng ái quốc của người Việt để quyến dụ người ta theo mình. Người Việt Nam không phải là không hiểu cái tâm địa người Nhật, song có nhiều người muốn thừa cơ hội hiện tại mà phá vỡ cái khuôn khổ bé hẹp nó ràng buộc mình đã bao lâu để gây ra cái không khí mới, rồi sau thế nào cũng tìm cách đối phó. Phần nhiều người trí thức trong nước đều có cái quan niệm ấy, nhưng vì thế lực không đủ, cho nên không ai hành động gì cả, trừ một bọn người hoặc vì lòng nóng nảy, hoặc vì lòng ham danh lợi chạy theo người Nhật.

Nước Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Ðông, nhưng sau đã theo Âu Hóa, dùng những phương pháp quỉ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Ðông đã bị người Âu Châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp”, nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình. Bởi vậy chính sách của họ thấy đầy những sự trái ngược, nói một đàng làm một nẻo. Cái chính sách ấy là chính sách bá đạo rất thịnh hành ở thế giới ngày nay. Dùng lời nhân nghĩa để nhử người ta vào chòng của mình mà thống trị cho dễ, chứ sự thực thì chỉ vì lợi mà thôi, không có gì là danh nghĩa cả.

Trần Trọng Kim đã viết như vậy trong cuốn Hồi ký Một Cơn Gió Bụi mà chúng ta chào mừng hôm nay. Ông không thể nhẹ dạ về chính trị như người ta đã phê phán. Ông cũng chẳng thể là bù nhìn tay sai của Nhật của Pháp như nhiều người đã xuyên tạc. 

Nhưng tại sao lại có người quy tội cho ông, thậm chí còn muốn thủ tiêu mọi công trình biên khảo và vẽ ra chân dung lệch lạc của một nhân vật yêu nước như vậy? 

Bởi vì, từ rất sớm, gần như sớm hơn mọi người từ Nam chí Bắc, Trần Trọng Kim đã nhìn ra bản chất cộng sản đằng sau phong trào Việt Minh. Trong ngần ấy tác phẩm có đặc tính ôn hòa chừng mực của mình, Trần Trọng Kim viết về người cộng sản với sự nghiêm khắc hiếm hoi:

Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi trệch ra ngoài. Song các tôn giáo cũ nói có cõi trời, có thiên đường là nơi cực lạc. Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này. Ai tin theo đạo ấy là phải tin lý thuyết của Mác Lê Nin là tuyệt đối chân chính, đem áp dụng là sung sướng đủ mọi đường, tức thực hiện được cảnh thiên đường ở cõi đời. Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết phải nghĩ sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Stalin để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ.

Ðã tin mê cái đạo ấy và đã coi lý thuyết ấy là chân lý tuyệt đối, thì ngoài cái lý thuyết ấy ra, là tà giáo, là tả đạo. Ai không tin theo và phản đối những người đứng đầu đảng, tức là những bậc giáo chủ, thì là người phản đạo, tất phải trừng trị rất nghiêm. Vì vậy mới có sự tàn sát những người trong đảng cộng sản theo Trotsky, chủ Cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế, là một chi cộng sản phản đối Stalin, người chủ của Cộng sản Ðệ Tam Quốc tế.

Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì?

Cái thủ đoạn Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian thường có câu “nói như Vẹm”. Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt VM, đọc nhanh mà thành ra.

Ngày nay, sự thật rất căn bản ấy đều được mọi người công nhận, kể cả những người đã tham gia phong trào cộng sản vì lầm tin vào lý tưởng giải phóng dân tộc. Chính là từ trong hàng ngũ này mà chúng ta hiểu thêm về người cộng sản và những thủ đoạn lừa bịp, kể cả và nhất là hành động cướp chính quyền mà Cộng sản gọi là Cách mạng Tháng Tám, ngày 19 Tháng Tám năm 1945.

Cũng chính vì vậy mà sau Thế chiến II, Việt Nam vẫn không có độc lập. Và 70 năm sau là ngày nay lại bị mất chủ quyền sau khi đã mất mấy chục năm chinh chiến điêu linh.


*


Trong cả một kho trứ tác đồ sộ như một di sản lớn lao và quý báu cho hậu thế, cuốn “Một Cơn Gió Bụi” không chỉ là tập bút ký nói lên cái nhìn của Trần Trọng Kim về giai đoạn ngắn ngủi khi ông phải làm Thủ tướng đầu tiên của một nước Việt Nam lần đầu có độc lập từ khi ông ra đời. Đấy là một giai đoạn mà ông chỉ coi là “một cơn gió bụi” cho bản thân. 

Cuốn Một Cơn Gió Bụi còn cho thấy cái “nhân huân chính trị” của Trần Trọng Kim, là những công lao chính trị của Nội các Trần Trọng Kim trên nền tảng nhân bản của một bậc chính nhân quân tử. 

Cuốn sách cũng là chứng sử của người viết sử lão thành về những lầm than của đất nước giữa nhiều chọn lựa đều nan giải - mà sau cùng lại chọn giải pháp tệ hại nhất. Những gì đang xảy ra cho đất nước ngày nay có những nguyên nhân sâu xa nằm ngay trong nội dung của cuốn sách. 

Lời cuối ở đây là thế hệ trẻ ngày nay cần tìm đọc tác phẩm này để hiểu ra sự thật đã bị khỏa lấp quá lâu. 

Trong thế hệ trẻ ngày nay, anh chị em chủ trương tuần báo Sống và cơ sở Xuất bản Sống đã không quản ngại khó khăn mà tái bản cuốn hồi ký duy nhất của Trần Trọng Kim và cho phát hành qua hệ thống Amazon rất hiện đại. Nhờ vậy, Trần Trọng Kim đã trở lại với chúng ta trong thế kỷ 21. 

Và cộng dồng người Việt tại Hoa Kỳ nên yêu cầu mọi thư viện bên Mỹ phải có Một Cơn Gió Bụi để mọi người có thể tham khảo rộng rãi. Những người có khả năng thì nên tìm cách phiên dịch ra ngoại ngữ để thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và dân tộc Việt Nam.

Sau cùng, thế hệ trẻ của người Việt tham gia sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ có thể tìm thấy trong tác phẩm nhiều chỉ dẫn thiết thực khi cần tác động vào chính trường Hoa Kỳ để phát huy chính nghĩa của người Việt và để bảo vệ quyền lợi của quê hương ngày nay vẫn chưa ra khỏi những nguy cơ của một tôn giáo vô thần.

Cái tôn giáo cộng sản không chỉ giữ độc quyền chân lý và làm thui chột dân trí. Nó giữ độc quyền diễn giải quá khứ, nắm quyền kiểm soát hiện tại và đưa tương lai vào vòng nguy nàn. Vạch trần sự thật về quá khứ là bước đầu để gỡ bỏ ách độc tài trong hiện tại, và tìm ra cho dân tộc một tương lai sáng láng hơn. 

Xin cám ơn nhà Xuất bản Sống.

______


Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim - Ngày 150524 tại Hội trường Việt Báo, California