Thứ Tư, tháng 8 31, 2016

Di Dân và Thế Giới Vô Cương



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt ngày 160829
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Bài toán trong biên vực Mỹ-Mễ   


 * Lá cờ Hiệp chủng quốc Mễ-Mỹ * 



Bài viết này xin khởi đầu bằng chữ và nghĩa.

Chúng ta có hiện tượng di dân, người dân nơi này di chuyển qua nơi khác sinh sống. Nơi đi và nơi đến thường được phân biệt bằng một ranh giới. Người đi có thể gọi là xuất cư, xuất ngoại để cư trú ở ngoài. Người đến thì gọi là nhập cư. Nếu là ranh giới của quốc gia thì có luật pháp quy định quyền xuất nhập ấy. Khi nhập cư trái phép thì đấy là di dân trái phép, di dân lậu, v.v…. Những hiện tượng, cấp trung học thì cũng có thể biết được.

Bây giờ, xin nói qua chữ và nghĩa của Hoa Kỳ - và xin được các luật sư về di trú góp ý đệ dịch!

Trước đây, ta có chữ “illegal alien” để nói về người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Sau đó có từ mơ hồ hơn, “unlawful immigrant”, là nhập cư không hợp pháp hay không hợp lệ. Rồi đến chữ “undocumented immigrant”, người nhập cư không giấy tờ, và “immigrant” là dân nhập cư, cuối cùng là “migrant”, di dân. Nói đến “migrant” thì khỏi nhắc đến xuất cư hay nhập cư, emigrant hay immigrant.

Ngôn ngữ sở dĩ biến chuyển cũng do lòng người. Nhưng bày ra loại chữ có hướng dời cột mốc từ luật pháp sang xã hội, từ phi pháp tới cái gì đó trung hòa và vô tội, là sáng kiến cũa các chính trị gia.

Nhìn từ bên ngoài thì Hoa Kỳ là quốc gia rộng lớn và đa diện như một thế giới biệt lập. Người Mỹ lạc quan thường  tin rằng sắc dân nào trên thế giới cũng muốn được làm dân Mỹ. Họ không sai lắm khi nhớ tới bản thân hay gia đình, là con cháu của di dân đến từ nước khác và vài thế hệ sau là không cần nhìn về phía sau nữa. Vì vậy, họ không hiểu được tâm lý người Nhật. Sống trên một quần đảo rời rạc, nhỏ hẹp và thiếu tài nguyên mà đầy thiên tai chứ không vuông vức phì phiêu như đất Hoa Kỳ, người Nhật cho rằng phải anh hùng lắm thì mới là dân Nhật. Hùng khí đó phản ảnh thực tế bi quan mà đáng kính  của nước Nhật, khi mật độ dân số của Nhật cao gấp 10 của Mỹ. Đấy là chưa tính đến diện tích bát ngát của tiểu bang Alaska.

Cũng vì sống trong một thế giới biệt lập được thiên nhiên ưu đãi, dân Mỹ chẳng hiểu vì sao dân Anh, lại rất cẩn thận với di dân. Với lãnh thổ quá hẹp trên một hải đảo có mật độ dân số cao gấp bảy nước Mỹ, nước Anh không có miền Viễn Tây để khai hoang.

Chuyện mơ hồ vu vơ đó dẫn ta vào cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, với vấn đề di dân đang gây nhức khối cho mọi người, khi ứng cử viên Cộng Hòa là Donald Trump đòi dựng bức tường phân ranh với xứ Mexico. Người thiếu am hiểu – đông lắm – thì cho rằng ông có tinh thần kỳ thị di dân. Thật ra, Donald Trump chỉ là cái loa - hơi rè và lâu lâu mất điện - đang khuếch âm cảm nghĩ của nhiều người trên thế giới.

Âu Châu là nơi mà nhiều người phản đối tinh thần vô cương của Hiệp ước Schengen cho phép các quốc gia thành viên được tự do vận chuyển về di trú. Họ chống lại việc xóa bỏ biên cương vì kinh tế và xã hội, an ninh và văn hóa khi làn sóng di dân từ Đông qua Tây rồi từ Nam lên Bắc đang gây nhiều vấn đề cho họ, trong đó có nguy cơ khủng bố lẫn hiện tượng pha loãng bản sắc văn hóa. Một trong các lý do khiến Vương quốc Anh đã quyết định rút khỏi Liên Âu cũng chính là hiện tượng di dân. Nhìn rất xa - mà gần – người dân Việt Nam cũng quan tâm đến nguy cơ di dân đến từ phương Bắc. Nhưng không được quyền nói.

Dân Mễ Tây Cơ thì quan tâm đến hai biên vực. Làm sao mở Bắc để vào Mỹ mà đóng Nam để di dân Nam Mỹ khỏi vào lãnh thổ của họ? Người Mỹ lạc quan và rộng lượng gọi chung di dân từ miền Nam lên là Latinos, và chỉ nghĩ đến xứ Mexico mà không hiểu là khối Latino này cũng có nhiều khác biệt, thậm chí kỳ thị. Dân Cuba, Honduras, El Salvador, hay Costa Rica chưa chắc đã vui nếu “bị” gọi là dân Mễ.

Khi nói đến hiện tượng chữ và nghĩa của các chính khách Hoa Kỳ nhằm xóa dần lằn ranh pháp luật để tiến tới một thế giới vô cương cho một lý tưởng đại đồng, thì ta nên nghĩ xa hơn một tí!

Ngoại trưởng John Kerry chưa là tỷ phú - nhờ lấy góa phụ của một tỷ phú, ông mới là triệu phú có sáu bảy trăm triệu thôi - nhưng như nhiều bậc quyền thế, ông cũng ngợi ca thế giới vô cương. Điều ấy vẫn chẳng ngăn ông dời du thuyền dài 25 thước của mình từ cảng Boston Harbor quả tiêu bang nhà qua thả neo bên Rhode Island để đỡ nửa triệu tiền thuế.

Không đến nỗi láu cá xóa ranh như vậy, một tỷ phú thần tượng của giới trẻ, là Mark Zuckerberg cũng ngợi ca việc tháo gỡ rào cản Nam-Bắc của Hoa Kỳ và xả dần việc kiểm soát di dân. Nhưng lặng lẽ bỏ ra 30 triệu mua đứt và phá hủy bốn biệt thự quanh tư thất – nghe khiêm nhường hơn tư dinh, lại chữ và nghĩa! – để có một không gian riêng tây vây quanh nơi mình ở tại Palo Alto thuộc miền Bắc California. Di dân gốc Latino mà hút cần sa dưới chân tường thì chắc là sẽ được an ninh mặc đồng phục mời ra nơi khác! Có khi cảnh sát sở tại còn bị rầy la.

Vì vậy, khi kẻ có quyền hay có tiền mà nói đến xã hội đại đồng và thế giới vô cương thì ta nên trừ hao trừ bì. Ra khỏi chu kỳ tranh cử và nhìn trong dài hạn thì ta nghĩ sao về hiện tượng di dân vượt Nam tuyến vào đất Mỹ?

Từ tiền kiếp, Hoa Kỳ là quốc gia của di dân và sau này vẫn cần di dân vì lãnh thổ thật ra có thể nuôi sống đến hai tỷ dân nếu cũng chịu khó phố phường chật hẹp người đông đúc như dân Anh.

Từ tiền kiếp vì người Mỹ bản xứ có thể là di dân đến từ Châu Á, sau đó, thời lập quốc là di dân đến từ Châu Âu, sau đấy mới là từ các nơi xa xôi khác. Qua nhiều đời, mỗi đợt lại có thể gặp xung đột, mâu thuẫn rồi mới có hòa đồng. Xung đột như việc chiếm đóng và đồng hóa người bản địa bị gọi lầm là Da Đỏ, mâu thuẫn như dân gốc Anh nhìn dân gốc Scot-Irish là giang hồ tứ chiếng. Sau khi hòa đồng, họ nhìn dân Đông Âu hay Nam Âu cũng với ác cảm tương tự.

Nhưng nếu Hoa Kỳ có thể đồng hóa nhiều dị biệt sắc tộc hay tôn giáo, như dân Nga hay Ukraine theo Do Thái giáo, với dân Ấn theo Ấn giáo và dân Pakistan theo Hồi giáo, hoặc dân Ý theo Công giáo, v.v… thì tại sao lại tỏ vẻ e ngại với dân Mễ?

Chỉ vì một lý do đơn giản là địa dư, và một lý do phức tạp hơn, là lịch sử.

Khi nhập cư, mọi sắc dân khác đều không còn đường về vì quê hương đã nghìn trùng xa cách và họ bị phân tán ra nhiều nơi. Dân Mễ thì chỉ cần vượt sông Rio Grande, và khi đi thì nhiều người vẫn hẹn ngày về. Đó là địa dư. Về lịch sử thì gần hai trăm năm trước, nước Mỹ còn là nhược tiểu, Mexico mới là đại cường thuộc Đế quốc Tây Ban Nha của Âu Châu. Với người Mễ không quên lịch sử thì lãnh thổ miền Nam của nước Mỹ, từ Texas qua California, đã từng là lãnh thổ của họ trước cuộc Cách mạng Texas (năm 1835-1836) và Chiến tranh Mỹ-Mễ (1846-1848). Nhưng lại “bị Mỹ cưỡng đoạt” là một cách giải thích không đúng hẳn, mà thông cảm được nếu nhìn theo tâm lý dân tộc…. Khi biểu tình tại Mỹ để đòi bảo vệ di dân nhập lậu mà họ phất cờ Mễ là để phát huy chính nghĩa đó.

Cho nên, vì cả lý do địa dư lẫn lịch sử, nhiều người Mễ thoải mái sống trong vùng biên vực Mỹ-Mễ với hai quê hương. Kinh tế là Mỹ nhưng văn hóa là Mễ. Chính trị làm nốt phần vụ còn lại là củng cố vùng biên vực Mỹ-Mễ tại miền Tây-Nam, là thành trì mới của đảng Dân Chủ.

Sống trong thế giới biệt lập của Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ không hiểu được tính chất sinh tử trong biên vực của các quốc gia hay dân tộc khác. Vùng Alsace-Lorraine tại biên vực Pháp-Đức đổi chủ nhiều lần sau chiến tranh. Hai khu vực tự trị Abkhazia và Nam Osettia của Cộng hòa Georgia, hoặc bán đảo Crimea của Ukraine cũng là các vùng biên vực vừa bị Liên bang Nga thanh toán, gọi là “hồi quy cố quốc” cho dân Nga…. Và họ càng không hiểu  Thế chiến II bùng nổ chì vì các nước không chấp nhận việc Hitler dời cột mốc biên giới để thôn tính những vùng biên vực mà Đức quốc xã cho là của mình.

Vì vậy, ra khỏi không khí khích động của tranh cử, Hoa Kỳ vẫn phải có ngày tỉnh táo thảo luận và xét lại ba bài toán chính sau đây.

Thứ nhất, phải có chánh sách di dân hợp pháp rộng mở cho các sắn dân đến từ mọi khơi. Thứ hai, có chánh sách di dân cho người Mễ định cư tại nhiều nơi trong lãnh thổ, y như các sắc dân khác, chứ không tập trung vào vùng biên vực. Thứ ba, có chánh sách di dân cho người Mễ định cư trong vùng biên vực do Hoa Kỳ đã chiếm của Mễ trong thế kỷ 18. Bài toán thứ nhất thỏa mãn được yêu cầu trường kỳ của Hoa Kỳ. Bài toán thứ hai có thể tránh được mâu thuẫn và thậm chí chiến tranh với xứ Mexico sau này.

Bài toán thứ ba thì thỏa mãn được nhu cầu hốt phiếu của đảng Dân Chủ…. Còn người Mỹ gốc Mễ? Không giải quyết được bài toán biên vực của Việt Nam với Trung Quốc, có lẽ ta nên ăn ké người Mỹ gốc Mễ vậy. Cũng là thiểu số cố đùm bọc nhau! 


Thứ Bảy, tháng 8 27, 2016

Chính Kỳ Linh Tinh



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160827

Đi tìm sự thật trong một rừng thông tin đầy những thực hư lẫn lộn….

 * Chặng đường gian nan của bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ *



Tháng 11 này, cử tri Hoa Kỳ sẽ bịt mũi đi bầu. Nhờ hai chính đảng lớn, Dân Chủ và Cộng Hòa, họ được chọn một trong hai ứng cử viên đều có chung một nét là không đáng tin. Chỉ có 28% dân Mỹ tin là Hillary Clinton đáng tin, hơn Donald Trump được… một phần trăm!

Giới bình luận Mỹ dùng một thành ngữ để gọi đó là hiện tượng giữa hai con quỷ thì chọn con ít tệ nhất, lesser of the two devils. Độc giả Việt Nam mắc bệnh tôn sùng lãnh tụ gọi ẩn dụ đó là “khinh thường Tổng thống Mỹ.” Với người viết này, đấy mới là nét tuyệt vời của nền dân chủ Hoa Kỳ! Chính khách có thể là giẻ rách cũng chẳng sao….

Bài này sẽ miên man về nghịch lý đó khi nói về những hư thực của cách diễn giải trừ trong ra ngoài.


***


Sau Thế vận Rio, tuần qua, thủ môn đội túc cầu nữ của Mỹ là Hope Solo bị Ủy ban Túc cầu Hoa Kỳ khiển trách và ra biện pháp kỷ luật là treo giò sáu tháng vì lời phát biểu xúc phạm đội banh Thụy Điển ở vòng tứ kết khi đội Mỹ bị loại sau vòng đá luân lưu. Thậm từ của nàng là “Lũ hèn nhát!”

Chỉ vì đội Thụy Điển thủ rất chắc rồi bất ngờ phản công khi đội Mỹ quá xông xáo bị sơ xẩy. Đội banh tràn đầy hy vọng của Hoa Kỳ bị đá khỏi sân, nàng Hope Solo đẹp mà dữ lại chẳng kiểm soát được phản ứng, trước đó còn làm dân Brazil khó chịu vì chế diễu nguy cơ bị vi khuẩn ZIKA do muỗi độc gây ra. Thái độ khiếm nhã của Hope Solo là điều đáng trách và nàng bị kỷ luật.

Nhưng ra khỏi vận động trường thể thao mà vào chính trường Mỹ thì các chính khách lại được tiêu chuẩn khác. Họ tận dụng khả năng mạt sát đối thủ về mọi thói hư tật xấu thật giả trước sự hể hả của các cổ động viên! Chính trường Hoa Kỳ có nét khôi hài của một hý trường và sự náo nhiệt của cuộc tranh cử năm nay cho thấy điều gì đó rất lạ mà không hẳn là mới về cách diễn giải sự thật.

Hai chính đảng truyền thống của Mỹ khéo xào bài thế nào để cho 180 triệu cử tri chọn giữa hai ứng cử viên họ không ưa và chẳng tin một vị Tổng thống sẽ lại đưa Hoa Kỳ vào chệch hướng ít ra trong bốn năm nữa! Nhưng hai năm tới thôi, cử tri có thể nghĩ lại khi đi bầu giữa nhiệm kỳ, để trao ấn tín “kỳ đà” cho Quốc hội cái quyền cản mũi Tổng thống. Và vừa nhậm chức Tổng thống vào ngày 20 Tháng Giêng năm tới, lãnh đạo Hành pháp đã phải dàn trận cho cuộc bầu cử đó.

Sự kỳ diệu của nền dân chủ Hoa Kỳ chính là những dây nhợ trói buộc chính khách và chính quyền!

Hãy nói về cách diễn giải sự thật. Tính tới Tháng Tám vừa qua, đại diện cho “đảng Dân Chủ của dân nghèo”, chính khách Hillary Clinton vận động được 365 triệu đô la, với 80% là phần đóng góp của các tỷ phú, tài phiệt Wall Street và đại gia lãnh đạo nghiệp đoàn. Chỉ một phần năm là của thường dân, chưa nói gì đến tiền vận động của ngoại quốc dồn vào Sáng viện Clinton Foundation đầy tai tiếng của hai vợ chồng.

Còn thụ ủy “đảng Cộng Hòa của bọn nhà giàu”, tỷ phú Donald Trump gom chưa đầy trăm triệu, chỉ có 10% là từ thường dân, nhưng đã “đảo chánh nội bộ Cộng Hòa”! Ngẫm lại thì Con Vịt Donald được lợi thế là cách tường thuật hấp dẫn của truyền thông trong cả năm trời, tương đương với hai tỷ tám tiền quảng cáo miễn phí, và loại bỏ 16 đối thủ kia để lên đại diện cho khối Cộng Hòa hậm hực vì bị bất ngờ.

Đâm ra không phải Donald Trump đã tiến hành cuộc đảo chánh mà là truyền thông. Rồi thiên hạ kết luận rằng Trump chỉ có hậu thuẫn của Mỹ nghèo hay Mỹ ruộng, bọn da trắng phản động, trong khi lại xé đảng Cộng Hòa làm hai khiến Hillary có thể đắc cử với lá phiếu Cộng Hòa! Toàn những nghịch lý.

Dù khó đoán kết quả bầu cử Tổng thống năm nay, đa số vẫn cho là Hillary có hy vọng nhờ biệt tài khạc nhổ lên trời của đối thủ. Trong một tháng sau Đại hội, Donald Trump đã chuyển thắng thành bại, rồi từ bại thành liệt nên hai lần chấn chỉnh nhân sự trong ban tranh cử và nay mới bắt đầu điều chỉnh tác xạ, và đưa ra chủ trương ôn hòa hơn trước sự xoi mói của truyền thông.

Trong khi ấy, nhiều tỳ vết và nét gian dối mãn tính của Hillary vẫn được lướt qua.

Nói chung, khi một chính khách Cộng Hòa làm điều sai trái thì truyền thống nhấn mạnh ngay từ đề tựa đến thuộc tính Cộng Hòa. Nhưng khi một chính khách Dân Chủ làm bậy thì đấy là chuyện cá nhân, mối liên hệ của đương sự với đảng được dìm sâu vào cuối bản tin, có khi còn lọt ra ngoài. Nếu một vị dân cử Cộng Hòa phạm luật thì đấy là tin lớn. Khi phía Dân Chủ làm sái thì phản ứng của bên Cộng Hòa về sự sai trái đó mới là tin đáng loan!

Chúng ta chẳng nên ngạc nhiên. Nhiều cuộc khảo sát ý kiến đều công nhận sự kiện là từ 70 đến 80% báo giới Hoa Kỳ có khuynh hướng thiên về đảng Dân Chủ. Cho nên bảo rằng Trump gặp bất lợi vì truyền thông Mỹ vẫn thiên về đảng Dân Chủ là chẳng sai.

Nhưng các ứng cử viên Tổng thống như Ronald Reagan và hai cha con ông Bush cũng đã trải qua con đường chông gai đó mà thắng. Vấn đề của Trump là “The Donald”. Chàng không khai thác được nhược điểm sinh tử bên đảng Dân Chủ và nhất là lý lịch đáng ngờ của Hillary mà từ năm 2008, người viết này đã gọi là Con Ong Chúa, với báo chí là bầy ong thợ. Chính trị lẽ thường. Cuộc bầu cử có mục tiêu chọn người có tài tranh cử, chưa chắc rằng đấy sẽ là lãnh đạo anh minh và dân mua hớ có quyền đổi ý rất nhanh.

Nói về lẽ đúng sai thì yếu tố mua hớ đã chình ình:

Trong khi The Donald còn phát biểu linh tinh, Hillary đã đề nghị là trong nhiệm kỳ đầu bà sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm và tăng chi hơn ngàn tỷ cho đầu tư về hạ tầng vật chất và xã hội như giáo dục và gia đình, v.v... Thật ra, Tổng thống Mỹ có ngủ quên trong Tòa Bạch Ốc hay dốc sức đánh lộn trên chính trường thì mỗi tháng thị trường vẫn tạo thêm từ 200 đến 250 ngàn việc mới, vị chi là từ hơn hai triệu đến gần ba triệu jobs mỗi năm nếu kinh tế tăng trưởng một cách èo uột là hàng năm chỉ đạt 1,2% Tổng sản lượng GDP. Nhưng mặt kia, khoản tăng chi hơn ngàn tỷ lại chất thêm núi nợ, từ 105% Tổng sản lượng hiện nay có thể lên tới 115 hay 120% vào năm 2021. Có đánh thuế nhà giàu để giảm bội chi và bớt nợ thì lại chạm tới các ân nhân của Hillary tại Wall Street và càng đánh thuế thì càng làm giảm sản lượng.

Cử tri Mỹ không thèm biết rằng con số trừu tượng 120% là cơn ác mộng Hy Lạp vào năm 2009, và dẫn tới khủng hoảng của khối Euro sau này. Hoa Kỳ không là Hy Lạp nên hậu quả trong năm năm tới có thể là sự kinh hoàng cho thế giới. Chuyện linh tinh ấy chưa thấm vào tâm trí cử tri vì không được truyền thông phân tách cho ra lẽ.

Nhưng thế giới thì biết sợ vì địa cầu hình tròn. Đi mãi về hướng Tây sẽ gặp hướng Đông, ra khỏi Hoa Kỳ lại gặp đòn phép hư thực hay chính kỳ của nước ngoài. Xin nói về hai thí dụ…

***

Trong cuộc tranh cử, Donald Trump cứ múa hát về an ninh và đối ngoại. Vậy mà trong nhiệt tình đấu đá, ban tham mưu của ông để lọt một tin lạ.

Hôm 17, tờ báo điện tử có tên rất quái là EurActiv.com bật ra một nguồn tin từ hai nhân vật nặc danh, rằng Hoa Kỳ đã lặng lẽ dời võ khí hạch tâm chiến thuật của Mỹ từ Turkey về Romania. Võ khí hạch tâm nằm ở đâu là bí mật quốc phòng vì khi hữu sự sẽ là mục tiêu có thể bị địch thủ tấn công trước tiên. Cả hai nước đều là thành viên của Minh ước NATO, nhưng Turkey đang nghĩ khác về vai trò cường quốc của mình nhất là khi lãnh tụ Recep Tayyip Erdogan vừa củng cố quyền lực và ra vẻ hòa giải với Nga để nói thách với Mỹ.

Vì vậy, nguồn tin của EurActiv.com từ hai nhân vật giấu tên mà không liên hệ gì với nhau có cái gì đó khá hợp lý. Nhưng phi lý vì cho thấy hai người đó biết được chuyện tối mật, lại tiết lộ cho một tờ báo điện tử nhắm vào dư luận Âu Châu, với kết quả là làm Romania chết khiếp vì sẽ là mục tiêu thanh toán trước tiên của Liên bang Nga khi có chiến tranh. Đây là tin có lợi cho Nga, mà bất lợi cho Mỹ. Nhưng người Mỹ bất cần!

The Donald cứ phét lác về NATO mà chẳng hiểu rằng thành viên nào của Minh ước cũng muốn được lá chắn của Mỹ bảo vệ, miễn ohí thì càng hay, nhưng lại sợ là nếu chứa võ khí hạch tâm của Mỹ trong lãnh thổ của mình thì sẽ được Liên bang Nga ưu tiên chiếu cố. Hơn ba chục năm trước, thời Ronald Reagan, dân Đức cũng từng e sợ như vậy cho nên cánh tả phản chiến mới tung khẩu hiệu “Thà Đỏ Hơn Chết” khi Hoa Kỳ muốn đưa võ khí tầm trung vào Đức để gián chỉ kế hoạch bành trướng của Liên Xô dưới thời Leonid Brezhnev.

Cho nên loại tiết lộ này làm đẹp lòng nước Nga. Nó phân hóa quan hệ giữa Romania với Mỹ và đào sâu mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và đồng minh là Turkey. Và gây ấn tượng là nước Mỹ thất thế trong khi Vladimir Putin thắng thế và củng cố được quan hệ tay ba giữa Nga, Turkey và Iran. Chuyện đó cho thấy một hiện tượng muôn đời là nghệ thuật gây ấn tượng sai về ta và về địch.

Văn hóa Trung Hoa gọi đó là “thuật quỷ biển”, nôm na là “perception manipulation”.

Vì vậy, cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ là môi trường lý tưởng của trò quỷ quái biển lận từ truyền thông Mỹ và từ các nước khác. Mà biển lận nhất chưa là lãnh tụ Putin, bề nào cũng mạt vận và khó tái tranh cử năm 2018 này. Chuyện đó, xin quý độc giả đón đọc… Xuân Việt Báo năm tới. Chuyện năm nay là cuộc tranh cử Hoa Kỳ và Tập Cận Bình.

Đi hết hướng Tây thì gặp Đông phương!

Đầu tháng tới, Tập Cận Bình sẽ chủ trì Thượng đỉnh G-20 không ở Bắc Kinh hay Thượng Hải mà xuống tới hòn ngọc Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang. Đấy là biểu tượng truyền thống của văn hóa nghệ thuật Trung Hoa, từ thời Tùy Đường đến đời Nam Tống. Mà về kinh tế và hiện đại hơn thì đấy là một thành tựu chói lọi của Đặng Tiểu Bình sau khi cải cách. Quan khách và truyền thông sẽ thưởng thức món thịt kho của danh sĩ Hàng Châu là Tô Đông Pha, và tấm tắc ngợi ca công ty Alibaba của tư doanh Trung Quốc, có hội sở cũng tại Hàng Châu!

Trong khi đó, Tập Cận Bình lại ráo riết chuẩn bị cho Đại hội Khóa 19 của đảng, có thể họp vào cuối Tháng 10 năm tới.

Hăng say thổi bùn nhơ trong cuộc tranh cử Tổng thống, truyền thông Hoa Kỳ bỏ qua việc họ Tập vừa tổ chức mật nghị tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà để “cơ cấu lại” nhân sự sẽ lãnh đạo sau này dưới sự điều động và kiểm soát của chính mình. Truyền thông tối dạ không hiểu rằng trong thế giới cộng sản độc tài, “cơ cấu lại” có nghĩa là bẻ tay, là thanh trừng, là mua chuộc và cất nhắc…. Thiên hạ chỉ nói đến bùn nhơ của cuộc tranh cử Mỹ mà không thấy trò quỷ bên Tầu.

Lãnh đạo mới của Hoa Kỳ, từ Hành pháp đến Lập pháp sẽ đối đầu với những chuyển động ấy tại Trung Quốc, chưa nói gì đến Minh ước NATO hay số phận Liên Âu, v.v….

Khi theo dõi và kiểm điểm tin tức quá sức rắc rối như vậy, người ta thấy quần chúng hay cử tri có thể bị truyền thông chi phối mà không biết. Có người biết vậy và đã nói từ hơn 200 năm rồi: “Nếu một quốc gia cứ mong được tự do trong dốt nát thì đấy là điều bất khả”.

Ông ta là Thomas Jefferson, và ông không nói cho nước Tầu, mà về nước Mỹ.

Thứ Năm, tháng 8 25, 2016

Trung Quốc Khoắng Nước Vét Cá

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160824
Diễn đàn Kinh tế 

Vùng biển Đông của Châu Á đang mất dần một nguồn lợi sinh tử là thủy sản....  

000_7M4RY.jpg
* Chủ tịch nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ, Michel Demare bắt tay Chủ tịch tập đoàn quốc doanh ChemChina của Trung Quốc, Ren Jianxin trong cuộc họp báo trình bày kết quả hàng năm của Syngenta tại trụ sở chính của công ty tại Basel, Thụy Sĩ vào ngày 03/2/2016. Ảnh AFP *


Trong Thượng đỉnh của nhóm G-20 năm nay tổ chức tại Hàng Châu bên Tầu, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ nói đến triển vọng hợp tác kinh tế giữa các nước, với vai trò tích cực của Trung Quốc. Nhưng nhiều quốc gia Á Châu lại thực tế nhìn vào động thái khoắng nước vét cá ngoài Đông Hải của một quốc gia cho đến nay chưa giải quyết được bài toán an toàn thực phẩm của mình.



Chiến lược của Trung Quốc


Nguyên Lam: Hôm Thứ Hai 22 vừa qua, một ủy ban về đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ đồng ý cho tập đoàn quốc doanh ChemChina của Trung Quốc được mua doanh nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ để làm chủ công nghệ tiên tiến về sản xuất thực phẩm. Vì việc sát nhập từng bị nhiều giới chức Quốc hội Hoa Kỳ khuyến cáo là bất lợi về an ninh cho nước Mỹ, Nguyên Lam đề nghị ông giải thích sự kiện hơi xa lạ này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đề tài này rất hữu ích vì cho thấy nhiều khía cạnh chuyên môn về kinh tế và về những động thái của Bắc Kinh. Như mọi khi, tôi xin đi từng bước để tìm hiểu.

Từ hơn 10 năm qua, Trung Quốc có thay đổi chiều hướng đầu tư theo trình độ cao hơn, từ lượng lên phẩm, để không chỉ thụ đắc sản phẩm hay dịch vụ của các nước mà còn nhắm vào nâng cấp khả năng tổ chức và sản xuất. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Thứ nhất, hệ thống luật lệ phức tạp của Hoa Kỳ có một ủy ban gọi tắt là CFIUS thuộc bộ chủ quản là Bộ Ngân Khố, là bộ Tài Chính của các nước. Được lập ra từ 1975, Ủy ban Committee on Foreign Investment in the United States quy tụ 16 đại diện của các phủ bộ liên quan tới an ninh quốc gia bên Hành pháp, như Ngoại giao, Quốc phòng, Nội an, Cố vấn An ninh và Kinh tế của Tổng thống, v.v… để thẩm xét yếu tố an ninh của các dự án đầu tư của ngoại quốc vào thị trường Hoa Kỳ. Nước Mỹ đầu tư nhiều nhất ra hải ngoại mà cũng nhận được nhiều đầu tư nhất của các nước và Ủy ban này có chức năng duyệt xét lại các dự án đầu tư có thể phương hại tới an ninh của Hoa Kỳ.

Thứ hai, tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ có tài sản trị giá vài chục tỷ đô la là mũi nhọn toàn cầu về công nghệ chế biến thực phẩm và hạt giống, với 25% xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ nên hoạt động cũng ảnh hưởng tới nông nghiệp và an ninh thực phẩm cho Hoa Kỳ. Thứ ba, ChemChina hay Trung Quốc Hóa công Tập đoàn là công ty quốc doanh của Bắc Kinh chuyên về hóa chất ứng dụng vào công nghiệp và nông nghiệp. Tập đoàn ChemChina muốn mua lại một phần vốn của Syngenta để tiếp thu công nghệ tiên tiến của thiên hạ, nhưng vì Syngenta hoạt động trên thị trường Mỹ và có ảnh hưởng tới nông nghiệp Hoa Kỳ nên Ủy ban CFIUS mới duyệt xét nghiệp vụ đầu tư này và đề nghị với Hành pháp Mỹ là nên chấp thuận.


Nguyên Lam: Thưa ông, xưa nay, dư luận thế giới thường cho là Trung Quốc đầu tư khá mạnh ra nước ngoài, nhưng chính yếu là để làm chủ các nguồn cung cấp và hạ tầng vận chuyển nguyên nhiên vật liệu cho thị trường xuất nhập khẩu của họ. Việc tập đoàn Hóa công, hay công nghệ hóa chất, muốn mua Syngenta để tiếp thu công nghệ tiên tiến của thiên hạ là cái gì đó khá mới lạ. Ông giải thích thế nào về chiến lược đó của họ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, từ cuối năm 1979, khi tiến hành cải cách kinh tế và cởi mở kinh doanh, Bắc Kinh đã biết là phải làm ăn với thế giới bên ngoài thì mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu thâm căn cố đế của họ và bắt tay trước tiên với thị trường Tokyo của Nhật. Sau hơn 30 năm tăng trưởng và có thêm tiền, Bắc Kinh ráo riết đầu tư ra nước ngoài, qua 12 năm lượng đầu tư ra ngoài đã tăng gấp 40 lần, từ ba tỷ năm 2003 lên 120 tỷ năm ngoái và nay đang là chủ đầu tư và là nguồn cung cấp tư bản hạng nhì trên thế giới.

Nhưng quả là từ hơn 10 năm qua, Trung Quốc có thay đổi chiều hướng đầu tư theo trình độ cao hơn, từ lượng lên phẩm, để không chỉ thụ đắc sản phẩm hay dịch vụ của các nước mà còn nhắm vào nâng cấp khả năng tổ chức và sản xuất. Việc họ đầu tư vào Syngenta nằm trong chiều hướng ấy vì muốn làm chủ cả công trình nghiên cứu và chế biến thực phẩm, kể cả loại thực phẩm đổi gen GMO, để giải quyết bài toán sinh tử của họ là lương thực. Nói vắn tắt, họ không chỉ đầu tư vào dầu khí là sản phẩm chiến lược, mà còn muốn đầu tư vào lương thực vì thiếu ăn là chết đói và bị loạn.

Việc Ủy ban CFIUS đề nghị chấp thuận là một thắng lợi cho Bắc Kinh, nhưng chưa chắc đã xong vì các nước cùng nhìn ra mặt trái của chế độ là không chỉ học hỏi mà còn muốn ăn cắp kỹ thuật để khống chế thiên hạ. Việc dự án đầu tư vào công nghệ tiên tiến của Anh bị Chính quyền của Thủ tướng Theresa May vừa đòi xét lại là một ví dụ. Cho nên, ngoài khuyến cáo của CFIUS, Quốc Hội và cơ chế luật lệ Hoa Kỳ còn có thể dựng thêm rào cản là chống lại chế độ độc quyền trên thị trường Mỹ sau khi làm chủ khả năng cung cấp hạt giống cho các nông trại.

Sau cùng và quan trọng nhất, Trung Quốc vẫn là xứ đói ăn nên ra sức cướp cá của các nước ngoài Đông Hải và cho thấy bộ mặt hung đồ của mình. Họ đang bị phản ứng gay gắt của nhiều quốc gia Á Châu, từ Nam Dương hay Indonesia tại miền Nam, tới Nam Hàn ở mạn Bắc, ở giữa thì có Việt Nam, Malaysia hay Philippines. Kỳ này, chúng ta nên nhìn vào chuyện đó….


Quyền lợi thủy sản


2677c194-e30a-46bb-9518-b6d149789187.jpg-400.jpg
Ba Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa), Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Hàn Quốc Yun Byung-se chụp ảnh tại Tokyo hôm 23/8/2016. AFP photo



Nguyên Lam: Như vậy, Nguyên Lam xin đề nghị chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trình bày cho chuyện đó cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên nhớ vài sự thật sau đây về bối cảnh. Đầu tiên, Bắc Kinh coi thường phản ứng của quốc tế sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực có phán quyết từ tháng trước, lại còn ngang ngược hăm dọa mọi lân bang, từ Nhật Bản trở đi. Về ngoại giao thì đây là điều bất lợi cho một quốc gia muốn kết bạn kinh tế với năm châu bốn biển qua việc xây dựng Con Đường Tơ Lụa hay dự án Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu như họ sẽ nhắc tại Thượng đỉnh G-20 tới đây ở Hàng Châu.

Biến cố thứ hai, cũng liên hệ đến chuyện ấy, hôm 17 vừa qua, Indonesia mừng lễ Độc Lập bằng cách cho nổ 60 tầu đánh cá của Trung Quốc bị bắt vì xâm nhập và đánh cá trái phép trong vùng chủ quyền của họ. Xứ Indonesia là cường quốc của Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á ASEAN và nằm tại vùng cực Nam của vùng biển mà Trung Quốc gọi là Hoa Nam và Bắc Kinh nhận là thuộc chủ quyền kinh tế với cái lưỡi bò chín khúc.

Trong 10 nước của ASEAN, xưa nay Indonesia vẫn có lập trường thân hữu với Bắc Kinh, nhưng từ nhiều tháng nay, Chính quyền Jakarta hết chịu đựng nổi thái độ ngang ngược của Trung Quốc khi cho ngư phủ có tầu tuần duyên hộ tống vào bắt cá trong vùng biển của họ. Thứ tư, cũng về bối cảnh, tuần qua báo chí quốc doanh của Bắc Kinh cho biết là nạn lạm thác ngư trường và ô nhiễm môi sinh khiến tài nguyên thủy sản Trung Quốc bị cạn kiệt và vùng biển mà họ gọi là Đông Hải nay cũng hết cá! Thứ năm, ta nhớ là Trung Quốc tiêu thụ phân nửa số thịt heo của thế giới nên cần nhiều ngô  và đậu nành để nuôi heo lấy thịt và nhập khẩu nhiều nhất từ Hoa Kỳ trong khi cũng ăn nhiều cá nhất thế giới, đến 35% của toàn cầu, mà bên trong thì bị ô nhiễm nên mới cướp cá của thiên hạ ở bên ngoài và gần đây thì gặp phản ứng dữ dội của Nam Hàn!

Vừa qua Nam Hàn cho xây cất 80 đảo nhân tạo trên đường tuyến đó và bảo vệ mạng lưới bằng quân sự. Người ta gọi đó mà mạng lưới sắc như dao cạo của Nam Hàn. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Xin cám ơn ông tổng hợp cho một số yếu tố về bối cảnh đúng là đói ăn của Trung Quốc vì giải thích được chuyện họ mua doanh nghiệp Syngenta để có thêm hạt giống và nông sản và việc họ cướp cá của thiên hạ. Nhưng từ xứ Indonesia có thái độ hữu nghị tại vùng cực Nam đến Nam Hàn là một bạn hàng của Trung Quốc ở vùng cực Bắc nay cũng đều có phản ứng dữ dội, thưa ông, phản ứng đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tuần qua, chúng ta vừa thấy chuyện lạ tại vùng Bắc Phương Giới Tuyến trên vùng biển Hoàng Hải tại Đông Bắc Á nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc. Năm 1953, chiến tranh Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên tạm ngưng và lực lượng tham chiến tại Nam-Bắc Hàn đã vẽ ra một giới tuyến ngoài biển để phân chia hai khu vực Nam Bắc. Sau này, Bắc Hàn cộng sản thường vượt giới tuyến, xâm phạm và tấn công các đảo nhỏ trên vùng biển của Nam Hàn.

Vừa qua Nam Hàn cho xây cất 80 đảo nhân tạo trên đường tuyến đó và bảo vệ mạng lưới bằng quân sự. Người ta gọi đó mà mạng lưới sắc như dao cạo của Nam Hàn. Yếu tố kỳ lạ không là an ninh mà là để ngư thuyền Bắc Hàn và Trung Quốc không xuống miền Nam cướp cá của họ! Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng các cụ mình gọi là “đói ăn vụng túng làm càn” khi Trung Quốc khoắng nước vét cá từ biển Đông Bắc Á xuống tới Đông Nam Á.


Nguyên Lam: Đúng là một biến cố kỳ lạ vì Nam Hàn là một cường quốc có sức mạnh mà cũng giao dịch buôn bán với Trung Quốc, nay lại đan một mạng lưới như dao cạo ở ngoài biển để chặn tầu đánh cá của Bắc Hàn và Trung Quốc. Thưa ông, câu chuyện là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ nhiều năm nay, thiên hạ ít để ý là đã có nhiều mâu thuẫn về quyền lợi đánh bắt thủy sản trên vùng biển này. Bắc Hàn Cộng sản bán quyền bắt cá cho ngư phủ Trung Hoa Cộng sản và ngư thuyền Trung Cộng lặng lẽ vượt giới tuyến Nam Bắc vào vùng biển của Nam Hàn vét cá. Vì kẹt tiền, năm nay Bắc Hàn tăng số giấy phép bán gấp ba làm ngư sản Nam Hàn vào mùa Xuân vừa qua sụt mất 70% so với năm ngoái. Lý do vẫn là Trung Cộng thiếu cá và thừa ô nhiễm nên cướp cá của Nam Hàn nên Tháng Sáu vừa rồi, ngư phủ Nam Hàn  bắt giữ hai tầu lưới cá của Trung Quốc và giải giao cho Hải quân Nam Hàn.

Bây giờ, chính quyền Nam Hàn leo thang bảo vệ ngư trường bằng một quyết định khá tinh vi và sáng tạo vào Tháng Bảy vừa qua. Họ thiết lập hệ thống phòng thủ có vẻ ôn hòa mà thật ra dữ dội và táo bạo vì mạng lưới phòng vệ đó có thể chặt lưới cá của Tầu và được hải quân bảo vệ. Nam Hàn còn thông báo cho Bộ Tư lệnh Kiểm soát Đình chiến Nam Bắc Hàn của Liên hiệp quốc về quyết định ấy của mình. Dưới ánh sáng của phán quyết vừa qua từ Tòa án Trọng tài Thường trực thì việc bảo vệ quyền lợi kinh tế của Nam Hàn là có chính nghĩa.

Trong khi đó, họ cũng lập lực lượng đặc nhiệm đi tuần tra vùng biển giữa Nam Bắc Hàn và giữa Nam Hàn với Trung Quốc và chính thức yêu cầu Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hành động của ngư phủ Tầu, làm như việc xâm phạm đó chỉ xuất phát từ sáng kiến của dân chài Trung Quốc thôi. Vì vậy, Nam Hàn vẫn giữ thế giao hảo với một bạn hàng là Trung Quốc, nhưng bật tín hiệu cho Bắc Kinh rằng họ sẽ không nhượng bộ và điều ấy làm Bắc Kinh lúng túng không ít.


Nguyên Lam: Tổng kết lại, thì ta có thể thấy các quốc gia Đông Á đều trước sau tung ra biện pháp ngăn ngừa Trung Quốc khoắng biển Đông và cướp cá của họ. Thưa ông, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vùng biển Đông của Châu Á đang mất dần một nguồn lợi sinh tử là thủy sản và các nước cần đến một sự hợp tác quốc tế để giải quyết bài toán này. Nhưng Bắc Kinh chối từ mọi giải pháp quốc tế, lại còn hăm dọa từ Nhật Bản đến Philippines, Malaysia và Việt Nam, v.v… 

Vì vậy các nước bèn có phản ứng là tăng cường phương tiện bảo vệ quyền lợi thủy sản của họ mà thật ra cũng là chủ quyền chính đáng được thế giới công nhận. Việc Nam Hàn giăng lưới sắc như dao cạo bằng 80 đảo nhân tạo cũng là thông điệp mạnh mẽ như Indonesia khi cho nổ 60 ngư thuyền Trung Cộng vào ngày Quốc khánh của họ. Sự kiện đó cần được người dân Việt Nam biết rõ để có những đòi hỏi chính đáng với nhà cầm quyền Hà Nội và Bắc Kinh.


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn- Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn hôm nay.