Thứ Bảy, tháng 9 10, 2016

Bức Tường Trong Tâm Trí


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 160902

Giải phẫu một thất bại của Donald Trump


 * Chi cho những ai, và ai chi đây? *



Cả hai ứng cử viên Tổng thống đang dẫn đầu đều có sẵn thành phần cử tri nòng cốt từ hai góc trái phải ở khoảng 40% và chỉ có thể thắng nếu tranh thủ được khuynh hướng ôn hòa ở giữa. Với Hillary Clinton, lá phiếu Nam Mỹ (Hispanic hay Latino) thì coi như đã chắc. Với Donald Trump thì khó hơn nhiều, vì lập trường gay gắt ngăn chặn di dân nhập lậu và chủ trương “xây tường” tại biên cương Mỹ-Mễ. Cho nên ông Trump vẫn thua đối thủ chừng năm điểm sinh tử.

Vì vậy, khi Tổng thống Enrique Pena Nieto mời hai ứng cử viên Mỹ qua của Mexico nói chuyện thì việc tiếp xúc của Trump có tầm quan trọng đặc biệt, chứ Hillary có đi hay không thì cũng chẳng thay đổi gì. Nhưng kết quả cuộc tiếp xúc của ông Trump hôm Thứ Tư 31 lại gây thất vọng.

Trong có hai ngày, giữa hai nước và trải qua ba múi giờ, một cơn gió giật đã lật ngược hy vọng của The Donald.  Vì sao như vậy?

Trước hết, tại sao Pena Nieto lại nhảy vào cuộc mà mời hai ứng cử viên Hoa Kỳ qua nói chuyện và cho nhân vật nổi tiếng “chống Mễ” như Donald Trump cơ hội xuất hiện như một lãnh tụ có thế giá?

Hoa Kỳ là cường quốc lánh giềng và bạn hàng của Mexico. Duy trì việc đối thoại và hợp tác giữa hai thủ đô là một nhu cầu trường kỳ, dù bất cứ ai ngồi tại tòa Bạch Ốc hai dinh Tổng thống Mễ. Với mức hậu thuẫn cực thấp, chỉ có 23%, Tổng thống Penia Nieto chẳng còn gì để mất và dù mới 50 tuổi thì cũng sẽ mãn nhiệm năm 2018 và theo Hiến pháp không được tái ứng cử.

Năm 2018 sẽ là năm tranh cử khít khao giữa đảng trung tả Institutional Revoluationary Party (PRI) của ông với đảng đối lập thuộc xu hướng trung hữu National Action Party (PAN) bên hai đảng nhỏ thuộc cánh tả. Kết quả có thể là sự xê xích nhỏ trong từng đảng, với yếu tố mới là sự hoài nghi của cử tri với hai chính đảng truyền thống, PRI hay PAN. Ông Pena Nieto lấy rủi ro lớn khi mở sân chơi cho các ứng cử viên Hoa Kỳ, nhưng căn bản nhất thì vẫn chứng tỏ tầm nhìn rất xa về quyền lợi quốc gia khi mà khuynh hướng bảo hộ mậu dịch và thậm chí chống toàn cầu hóa đang có ảnh hưởng trong cuộc tranh cử tại Mỹ.

Vì vậy, cuộc gặp gỡ với ứng cử viên Cộng Hòa mới được đôi bên chuẩn bị khá kỹ, dù trong có vài ngày. Việc chuẩn bị chính yếu là nghị trình thảo luận, chỉ nói về tương đồng hơn là dị biệt.

Kết quả là sự thành công mỹ mãn cho cả hai. Donald Trump đưa ra quan điểm ôn hòa và biết điều hơn, không đòi chặn đứng mà cải thiện Hiệp ước NAFTA giữa ba quốc gia Bắc Mỹ và chú trọng đến quyền lợi của toàn khối Bắc Mỹ hơn là những tranh chấp Mỹ-Mễ, v.v…. Pena Nieto có dáng lãnh tụ bình tĩnh nghe ông Trump phát biểu mà không gây xích mích. Hình như là giữa hai người đã có sự thông cảm và tương kính, cho nên cái phao do Pena Nieto tung ra đã cứu The Donald. Nhưng chỉ được vài giờ.

Cho tới khi từ thủ đô Mexico City ông Trump về Phoenix tuyên đọc bài diễn văn quan trọng về chánh sách di dân. Bài diễn văn được soạn sẵn, với những chủ trương ôn hòa hơn lối phát biểu nảy lửa cố hữu. Điều bất ngờ như cơn gió lật là giữa hai biến cố đó lại có phản ứng của Tổng thống Pena Nieto.

Trong một giờ thảo luận, đôi bên đồng ý là không bàn gì về việc ai sẽ tài trợ bức tường tại biên giới. Donald Trump còn mơ hồ nói tới nhu cầu bảo vệ biên giới của các nước, hàm ý có cả biên giới miền Nam của Mexico. Trong phái đoàn của Trump, có sự tham dụ của nguyên Thị trưởng Rudy Giuliani và Nghị sĩ Jeff Session của Alabama cùng con rể của Trump là Jared Kushner, người nêu sáng kiến về cuộc gặp gỡ. Họ cẩn trọng về từng điểm sẽ nói sẽ bàn khi Donald Trump chuyển về một lập trường biết điều hơn. Nếu không đủ thì khó tranh thủ cánh trung dung, nếu đi quá thì mất lòng xu hướng bảo thủ trong đảng Cộng Hòa.

Tổng thống Pena Nieto cũng có tư thế mong manh tương tự.

Ngay sau cuộc hội kiến, ông gặp sự phản đối dữ dội của người Mễ và các tổ chức đấu tranh chống Trump. Họ phản ứng mạnh khi ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Mexico City, rằng đôi bên không nói gì về việc ai sẽ tài trợ bức tường. Vì vậy, Pena Nieto bèn gõ trên Twitter rằng quốc gia của ông từ chối việc tài trợ bức tường Mỹ-Mễ. Cả hai người đều có lý vì khi Pena Nieto nêu ra điều ấy thì phía Donald Trump, Rudy Giuliani đề nghị là hãy miễn bàn!

Nhưng khi máy bay của Trump hạ cánh tại Phoenix, ông tỷ phú nóng nẩy này thấy như mình bị phản bội! Không thông cảm với hoàn cảnh tế nhị của Tổng thống Mễ, ông rót giấm vào bài diễn văn có vị ngọt hơn chua mà ban tham mưu đã soạn sẵn và hùng hồn trở lại lập trường cố hữu, trái ngược với hình ảnh điềm đạm và tử tế khi đứng cạnh Pena Nieto! Thành phần bảo thủ của ông vỗ tay reo mừng. Kết cuộc thì màn trình diễn về một Tổng thống Donald Trump biết điều và có tầm nhìn vượt khỏi biên cương chật hẹp của nước Mỹ bị xé rách. Nghĩa là mọi người đều bị hút vào hai cực, trở về tư thế cực đoan.

Từ chuyện đó, chúng ta nên kết luận rằng không một ai có thể lãnh đạo một mình.

Lãnh tụ nào, dù là Tập Cận Bình, Vladimir Putin hay Barack Obama hoặc hai chuẩn lãnh tụ là Hillary Clinton và Donald Trump đều phải nhìn xuống quần chúng. Quần chúng này có thể là người bỏ phiếu, cử tri đông đảo của một xứ dân chủ hay đảng viên co cụm của một chế độ độc tài đảng trị. Nhưng đấy là quần chúng biểu hiện mà không thực quyền. Bên trong khối người này, một thành phần mới có ảnh hưởng hơn cả, các Trung ương Ủy viên trong đảng độc quyền hay những thành phần nòng cốt có quyền lợi gắn bó với lãnh tụ. Lãnh tụ cần họ và họ cần lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Ở trên, chỉ có chừng vài phần trăm gọi là nòng cốt mới thật sự có quyền. Trên cùng là Thường vụ Bộ Chính trị hay các đại gia trên doanh trường và chính trường trong một xứ dân chủ.

Trong cuộc tranh cử năm nay tại Hoa Kỳ, người am hiểu hiện tượng ấy chính là Hillary Clinton, và cũng vì vậy mà bà bị tai tiếng nặng. Là kẻ ra vẻ “vạn lý độc hành”, Donald Trump thoát được cái nạn đó vì cho thấy mình không bị cột vào một nhóm quyền lợi nào cả mà chỉ phát biểu theo quyền lợi tối thượng của nước Mỹ. Đây là lý do vì sao ông loại bỏ được 16 đối thủ trong đảng Cộng Hòa và gây chấn động lớn.

Nhưng kẻ vạn lý độc hành vẫn bị cái nạn vạn lý độc mồm. Là không biết nhịn.

Được Pena Nieto tung cho cái phao cứu tử, ông ngoi lên khỏi mặt nước mà chẳng thông cảm là Tổng thống Mễ cũng phải thỏa mãn thành phần trụ cột của ông ta mà lên tiếng. Vừa ra khỏi mặt nước, ông lại to mồm nói ác và uống vào một ngụm. Rồi lại chìm….

Donald Trump không nhìn ra là trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, với sự thắng thế của trào lưu bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa quốc gia dân tộc, xứ Mễ cần Mỹ hơn là Mỹ cần Mễ. Nếu hiểu ra và trình bày sự thể trong khung cảnh rộng lớn hơn thì dù chưa đem lại hy vọng cho Mexico, ông cũng vẫn tránh được sự chống đối của cử tri gốc Mễ tại Hoa Kỳ. Khi đã thắng cử và cầm quyền thì mọi lời phát biểu hay hứa hẹn đều theo gió bay đi và các Tổng thống mới giải quyết vấn đề thật của quốc gia và quốc tế, với hậu thuẫn từ thành phần cốt cán của mình.

Donald Trump không biết xoay, nên xoay như chong chóng vào con xoáy đi xuống! Còn lại, Hillary chờ đợi những điều tra và phanh phui về quan hệ của mình với các nhóm quyền lợi chìm nổi. Hai tháng nháng lửa cho cả hai… Nước Mỹ này vui thật!

---

Bài này đoán trật lấc! Trump vẫn lên vì Hillary còn tệ hơn vậy!  

Rất tiếc là chương trình "Thời Sự Ngày Mai" của Kim Nhung Show trên đài truyền hình SBTN lại không gới thiệu lai trên You Tube nên nhiều người ở xa bị hụt!

1 nhận xét:

  1. Chào thầy, Chương trình " Thời sự ngày mai" trong The Kim Nhung Show trên SBTN vẫn không thấy cuộc phỏng vấn như thầy đề cập. Là người rất muốn nghe và theo dõi tất cả các chương trình của thầy. Mong thầy có cách nào đó có thể đưa đường link kết nối lên " dainamax tribune" của thầy cũng được. Bỏ lỡ 1 chương trình nào của thầy thì cũng thấy rất là tiếc. Nhân đây, không biết sao dạo này không thấy thầy trên "Bên kia màn khói" nữa? Cảm ơn thầy nhiều, chúc thầy sức khỏe. Chào thầy.

    Trả lờiXóa